27
Như đã đề cập ở phân tích cạnh tranh, có thể tóm lại ngành kinh doanh siêu thị ở nước ta gồm các nhóm chiến lược chính như sau:
Nhóm chiến lược giá rẻ: Đây là nhóm chiến lược gồm các doanh nghiệp như Metro, Big C, CoopMart… định hướng giá rẻ, bán hàng số lượng lớn với đa dạng chủng loại, hướng đến đại đa số người tiêu dùng. Những doanh nghiệp này đạt lợi nhuận nhờ chủ yếu ở việc làm chủ nguồn cung, đạt năng lực thương lượng với nhà cung cấp cao.
Nhóm chiến lược chuyên ngành: Gồm những doanh nghiệp chỉ bán chuyên một số chủng loại mặt hàng như siêu thị đồ gỗ nội thất, siêu thị điện máy, siêu thị hàng dệt may… phục vụ các nhu cầu tiêu dùng cụ thể. Một số doanh nghiệp vừa tự sản xuất vừa đảm nhiệm khâu phân phối qua hệ thống chuỗi siêu thị của mình.
Nhóm chiến lược hàng cao cấp: Gồm những doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ/hàng hiệu, định giá cao, hướng vào đối tượng khách hàng thu nhập cao. Các siêu thị này đạt được lợi nhuận nhờ nâng giá đầu ra.
Nhóm chiến lược cửa hàng tiện lợi: Gồm những doanh nghiệp phân phối mặt hàng khá đa dạng, số lượng vừa phải, phục vụ nhu cầu gia dụng, ăn uống…, nhắm tới sự thuận tiện cho khách hàng, hướng tới khách hàng có thu nhập trung bình nên vị trí các siêu thị thường ở gần khu dân cư. Tuy hướng vào sự thuận tiện nhưng một số siêu thị vẫn lệch lạc trong việc lựa chọn địa điểm đặt siêu thị khiến giá thuê mặt bằng cao làm đẩy giá đầu ra. Khách hàng có so sánh về giá nên hoạt động của những siêu thị này trở nên chưa được hiệu quả.