kinh tế của người lao động trong các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh
Đây là giải pháp có ý nghĩa chiến lược lâu dài nhằm nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của doanh nghiệp trong các KCN trong bảo đảm LIKT của NLĐ. Vì trong các chủ thể tham gia bảo đảm LIKT của NLĐ thì doanh nghiệp có vai trò quan trọng trực tiếp nhất, doanh nghiệp và NLĐ có quyền và LIKT gắn bó khăng khít với nhau. Để thực hiện tốt giải pháp này cần làm tốt một số biện pháp sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm nghĩa vụ đối với NLĐ theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở nắm vững những quy định về pháp luật sẽ giúp người sử dụng lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với NLĐ. Doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến xâm hại LIKT của NLĐ. Doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Bắc Ninh cần phải tuân thủ và thực hiện đúng, đủ các quy định pháp lý liên quan đến mình như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động để trên cơ sở đó doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển bền vững. Trong quá trình sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đầy đủ những điều kiện đã tham gia ký kết, thực hiện và chấp hành nghiêm các quy định của luật pháp, không lợi dụng đầu tư sản xuất kinh doanh để thực hiện những việc làm
vi phạm pháp luật và xâm hại LIKT của NLĐ. Trong thời gian tới cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về pháp luật lao động cho
người sử dụng lao động để họ nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó bắt buộc họ phải có cam kết bảo đảm LIKT của NLĐ theo quy định của pháp luật. Tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt các văn bản pháp luật về lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật lao động, luật công đoàn,... Phát hành các tập sách về pháp luật lao động như: việc làm, hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, thoả ước lao động tập thể, bảo hiểm xã hội để người sử dụng lao động và NLĐ tìm hiểu. Phát tờ rơi đến tay NLĐ, xây dựng pa nô, áp phích để tuyên truyền cổ động trực quan về chính sách lao động tại doanh nghiệp. Vì vậy, việc học tập chính sách, pháp luật của nhà nước làm cho người sử dụng lao động thấy rõ quyền hạn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và nghĩa vụ mà người sử dụng lao động cần thực hiện để bảo đảm LIKT của NLĐ. Quyền của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là: Doanh nghiệp có quyền trong việc tuyển chọn, bố trí và điều hành lao động theo nhu cầu hoạt động thực tế của doanh nghiệp; doanh nghiệp có quyền cử đại diện thực hiện ký kết thoả ước lao động tập thể; quyền chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp có quyền hình thành cơ chế khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động theo pháp luật. Đồng thời, người sử dụng lao động cần thực hiện những nghĩa vụ đối với NLĐ theo quy định của pháp luật, cụ thể: Thực hiện ký kết hợp đồng lao động và tuân thủ thực hiện theo những cam kết đó; ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp để bảo đảm quyền và LIKT cho NLĐ lẫn người sử dụng lao động; thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hiểm cho NLĐ theo quy định; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho NLĐ trong suốt quá trình lao động tại doanh nghiệp; xây dựng tổ chức công
đoàn đối với doanh nghiệp có từ 5 lao động trở lên theo quy định, hỗ trợ hoạt động của tổ chức công đoàn để xây dựng quan hệ lao động tốt đẹp tại doanh nghiệp, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ.
Hai là, gắn việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước tại doanh
nghiệp với chế tài thưởng, phạt rõ ràng. Trong các KCN ở tỉnh Bắc Ninh, nhiều doanh nghiệp nắm và hiểu rõ những chính sách, pháp luật của nhà nước, tuy nhiên có doanh nghiệp không thực hiện, làm trái quy định của pháp luật hoặc có thực hiện nhưng mang tính chất đối phó. Những chế tài xử phạt được đưa ra, song chế tài chưa đủ mạnh, chưa mang tính chất răn đe và tác động điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, quá trình hoạt động của cơ quan chức năng trên địa bàn Tỉnh chưa thể hiện quan điểm dứt khoát trong xử phạt hành chính các doanh nghiệp vi phạm. Giải pháp hướng đến là: Cần tăng cường chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật, làm xâm hại đến LIKT của NLĐ, chế tài xử phạt cần đủ mạnh để tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thực hiện những quy định đề ra. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của các cơ quan ban ngành trong xử lý những doanh nghiệp vi phạm. Trong xu thế phát triển hiện nay, các doanh nghiệp trong KCN ngày càng được quan tâm, vì KCN là động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Ninh. Vì vậy, bên cạnh chế tài xử lý cần gắn với khuyến khích, khen thưởng những doanh nghiệp thực hiện tốt quy định liên quan đến NLĐ, bảo đảm tốt LIKT của NLĐ. Giải pháp hướng đến là trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần đề xuất những hình thức khen thưởng, tuyên dương đối với các doanh nghiệp bảo đảm tốt LIKT của NLĐ. Thông qua đó, khích lệ tinh thần hoạt động của doanh nghiệp, tác động để doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc bảo đảm LIKT của NLĐ. Trong thực tế, những xung đột về LIKT thường xảy ra xuất phát từ nguyên nhân người sử dụng lao động không thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về những
quyền lợi của NLĐ. Để hạn chế tình trạng này, người sử dụng lao động cần tránh xem nhẹ LIKT của NLĐ, khắc phục tình trạng muốn đạt được lợi nhuận cao mà bỏ qua quyền lợi của NLĐ. Chính vì vậy, việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với NLĐ theo pháp luật được đánh giá là biện pháp quan trọng nhất trong giải quyết mối quan hệ LIKT giữa người sử dụng lao động và NLĐ.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về vai trò của NLĐ đối với doanh nghiệp.
Trong bảo đảm LIKT của NLĐ thì chủ doanh nghiệp cần có thái độ quan tâm tới lợi ích chính đáng của NLĐ. Bởi vì, lực lượng lao động tại
doanh nghiệp là một bộ phận, là yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Sự thành bại của doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào chất lượng lực lượng lao động của doanh nghiệp. Từ đó, người sử dụng lao động cần xóa bỏ quan niệm NLĐ là người làm thuê, người sử dụng lao động cần coi NLĐ là tài sản quan trọng của doanh nghiệp, từ đó thay đổi thái độ, cách nhìn nhận và tôn trọng NLĐ. Khi NLĐ được xem là thành viên của doanh nghiệp, doanh nghiệp là nhà của NLĐ, sẽ tác động tích cực làm cho NLĐ nhận thức rõ vai trò của mình trong doanh nghiệp, kích thích NLĐ làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao, mọi hoạt động của NLĐ sẽ hướng tới mục tiêu vì lợi ích của doanh nghiệp và cũng vì lợi ích của chính bản thân mình. Từ đó thúc đẩy tình hình hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp. Trong các KCN tỉnh Bắc Ninh có tình trạng người sử dụng lao động thu hút NLĐ giỏi, có trình độ cao bằng cách trả lương cao, nhưng vẫn trong tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao. Như vậy, bên cạnh mức lương cao, chính môi trường làm việc, cung cách đối xử, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp sẽ là
yếu tố thu hút lao động và giữ chân NLĐ gắn bó với doanh nghiệp. Một doanh nghiệp dù có vốn lớn, áp dụng công nghệ, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại, nhưng nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động giỏi gắn bó với doanh nghiệp thì khó có thể thành công trong sản xuất kinh doanh. Do vậy, người sử dụng lao động cần phải quan tâm và coi NLĐ là tài sản quan trọng của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần thiết lập mối quan hệ hài hòa với NLĐ thể hiện thông qua đối thoại trao đổi trực tiếp với NLĐ, giữa công đoàn với người sử dụng lao động, vấn đề dân chủ trong doanh nghiệp cần phát triển mạnh, thẳng thắn, cởi mở với NLĐ. Gắn bó LIKT của doanh nghiệp với LIKT của NLĐ, đây là giải pháp tối ưu để bảo đảm LIKT của NLĐ, đồng thời bảo đảm cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần tạo điều kiện để NLĐ được học tập nâng cao trình độ tay nghề.
Chất lượng lao động là một trong những nhân tố quyết định đến năng suất lao động của doanh nghiệp, đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chính vì vậy, người sử dụng lao động luôn quan tâm tạo điều kiện để NLĐ được học tập, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, coi đó là việc làm thường xuyên, nằm trong kế hoạch phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Để có đội ngũ NLĐ lành nghề, doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, các doanh nghiệp phải đầu tư đào tạo nâng cao trình độ cho NLĐ làm việc, mặt khác liên tục tuyển dụng với mong muốn xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao. Bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho NLĐ đồng thời với nâng tiền lương, bậc lương cho NLĐ. Người sử dụng lao động phải thực hiên nghiêm chỉnh chế độ trả lương cho NLĐ, tương xứng với khả năng và trình độ lao động của họ, là một trong những động lực lớn để NLĐ cố gắng học tập, cống
hiến cho doanh nghiệp.