Với tác phẩm Nhà Thờ Đức Bà Paris, Victor Hugo đã sử dụng một giọng văn đặc trưng của riêng ông để nói về những triết lý nhân văn sâu sắc hay sự lãng mạn của tình yêu và ông cũng dùng chính tác phẩm để thể hiện sự châm biếm, tiếng cười cợt nhả đối với xã hội đương thời. Dù chỉ là một tác phẩm văn học nhưng nhà văn đã miêu tả hoàn hảo sự vận động của một xã hội thu nhỏ, các nhân vật là đại diện cho các tầng lớp trong xã hội.
Cùng với đó, chính việc kết hợp các yếu tố bi - hài, cái đẹp - cái xấu một cách tinh tế, ông đã tạo cho mỗi nhân vật một vòng xoáy số phận khác nhau. Một Quasimodo với vẻ ngoài xù xì, một chàng trai tật nguyền bị xã hội xa lánh, nhưng ẩn sau đó là một trái tim khao khát tình yêu thương. Hay một vị Phó giám mục, vốn được mọi người xem là một kẻ đạo mạo nhưng lại không cưỡng lại được vẻ đẹp của nàng Essmeralda, và rồi trái tim hắn ngập tràn trong thứ tình yêu đen tối đầy tính chiếm hữu. Hay vị Đại uý Phoebus trăng hoa, lừa dối vởi vẻ ngoài hào nhoáng. Và cuối cùng là nàng Esmeradal xinh đẹp, trong sáng. Các nhân vật bị đưa vào các tình huống vừa bi vừa hài của xã hội đương thời. Để rồi thông qua nó, người đọc không chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài của họ, mà còn cảm nhận được một trái tim khao khát yêu thương vượt mọi trở ngại của các nhân vật.
Hình ảnh nhân vật Quasimodo chiến đấu với tên Phó giám mục là đại diện cho cái thiện và cái ác, ở đây cái thiện đã chiến thắng. Nó đã đặt một dấu chấm hết cho thế lực cực đoan, thể hiện cái khao khát được sống, được yêu thương, được tồn tại như một con người đúng nghĩa.
Không chỉ bởi tính nhân văn, chính chủ nghĩa lãng mạn được thể hiện trong tác phẩm cũng là một điểm sáng khiến Nhà thờ Đức bà Paris trở thành một kiệt tác được bạn đọc trên toàn thế giới yêu thích. Hơn cả một tình yêu đầy bi đát, đây còn là một bức tranh khắc họa những góc khuất của xã hội lúc này. Hình tượng nhân vật Quasimodo là một hình tượng tiêu biểu của văn học lãng mạn. Cùng với đó là mối tình thầm lặng giữa chàng gù và nàng Esmeralda, chính tình yêu này đã cứu vớt trái tim “hoá đá” của chàng gù, để hắn biết yêu thương, biết hận thù, biết sợ hãi, để hắn biết vùng lên đấu tranh vì khao khát được sống như một con người của mình. Cũng chính nhờ mối tính không một lần thổ lộ ấy đã cứu vớt tâm hồn của Quasimodo, khiến chàng gác chuông trở nên thánh thiện, bộc lộ ra vẻ đẹp nội tâm bị che khuất bởi bề ngoài dị dạng. Tình yêu của thầm lặng, âm thầm hi sinh của chàng gù Quasimodo dành cho nàng vũ nữ khiến cho người đọc phải cảm thán, phải đến khi gấp cuốn sách lại, người đọc mới chợt bàng hoàng nhận ra nó cao quý như thế nào. Dù cho cái kết của tác phẩm khiến nhiều người cảm thấy xót xa, nhưng nó là dư vị của một tình yêu đẽ đẹp, một tình yêu không cần hồi đáp.
Phải thừa nhận rằng Nhà thờ Đức Bà Paris là một kiệt tác văn chương, chứa đựng trong nó là những triết lý nhân văn sâu sắc. Ở đây, Victor Hugo dùng chính văn chương của mình để ủng hộ cho sự tự do, ủng hộ cho những con người khốn khổ bị xã hội quay lưng đứng lên để đấu tranh vì bản thân mình, vì quyền được sống, được tự do dù phải trả giá đắt như thế nào.
Dù có trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm thì vẫn luôn tồn tại hai nhà thờ trong tâm thức rất nhiều người. Một là nhà thờ hiển hiện giữa lòng Paris bằng gỗ, bằng đá, có thể thấy, có thể chạm và một nhà thờ vĩ đại khác chỉ hiện hữu trong hình dung, trí tưởng tượng và trong tâm hồn những ai yêu mến Nhà thờ Đức bà Paris của nhà văn đại tài Victor Hugo.