Kính thưa Quốc hội,
Nhiều cử tri rất tâm đắc khi nghe ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội là mọi hoạt động của Quốc hội nên công khai để cử tri và nhân dân giám sát. Với tinh thần đó nhiều cử tri yêu cầu tôi phải công khai trách nhiệm đại biểu Quốc hội của mình đại diện cho cựu thanh niên xung phong đã phản ánh Báo cáo lên Quốc hội, lên Chính phủ về những kiến nghị bức xúc của cử tri trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII như thế nào mà đến nay tình trạng tồn đọng chính sách đối với cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến đã kéo dài mấy chục năm vẫn chưa được giải quyết. Đồng thời cử tri không hiểu vì sao chức năng giám sát tối cao mà người dân gọi là giám sát kênh (cây) cao của Quốc hội thì nghe Báo cáo đạt nhiều kết quả to lớn, nhưng giám sát những điều bức xúc của người dân ở dưới đất thì không mấy hiệu lực và hiệu quả. Để đáp
ứng yêu cầu của cử tri, tôi xin phép Quốc hội cho tôi được công khai đọc một bức thư gửi lên báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ về vấn đề này và xin được thay cho ý kiến đóng góp vào phần bảo đảm an sinh xã hội trong bản Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ để cử tri được biết và tiếp tục giám sát.
Hà Nội ngày 21 tháng 3 năm 2011
Trân trọng kính báo cáo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang
Trung ương Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam trân trọng kính báo cáo lên Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban Bí thư về tình hình bức xúc của rất nhiều cử tri trước kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII về thực trạng tồn đọng chính sách đối với cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến. Tình trạng tồn đọng chính sách đối với cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến đã kéo dài nhiều năm, trong đó có hàng chục nghìn đồng chí do thiệt thòi về chính sách mà lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Thực trạng đau lòng này đã được đại biểu Quốc hội, đại diện Hội cựu thanh niên xung phong liên tục báo cáo kiến nghị trong suốt các kỳ họp Quốc hội khóa XII.
Tại kỳ họp thứ 3 năm 2008, sau khi Bộ trưởng Bộ lao động - thương binh và xã hội được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm trả lời chất vấn về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo nếu các cơ quan chức năng thấy do vướng luật thì phải báo cáo với Chính phủ, báo cáo với Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung luật để giải quyết chứ không thể kéo dài mãi tình trạng tồn đọng, bức xúc đối với người có công. Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ đã giải tỏa được tâm trạng day dứt từ nhiều chục năm nay của hàng chục vạn cựu thanh niên xung phong.
Ngày 20/3/2010 Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chủ trì cuộc họp tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 104 cũng đã kết luận: Qua 10 năm thực hiện chính sách đối với cựu thanh niên xung phong theo Quyết định 104, bên cạnh đạt được một số kết quả thì vẫn còn nhiều bất cập. Yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế.
Sau khi có ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ thì hầu hết các địa phương dừng việc thực hiện chế độ chính sách đối với cực thanh niên xung phong để chờ có quyết định mới. Trong thực tế các địa phương đã dừng giải quyết trước đó 1 năm, tức là từ năm 2007 vì chờ Chính phủ họp tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 104 tức là 1999 đến 2009.
Đến tháng 7 năm 2010 đông đảo cử tri cựu thanh niên xung phong quá bức xúc nên yêu cầu Trung ương Hội cựu thanh niên xung phong cử đại diện trực tiếp lên báo cáo Tổng bí thư và Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng. Ngày 13/7/2010 được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tiếp, nghe báo cáo kiến nghị và đã chỉ đạo Thường trực Ban bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang đã chủ trì cuộc họp
với các cơ quan liên quan và có ý kiến kết luận chỉ đạo là Ban cán sự Đảng, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành hữu quan tình trạng tồn đọng chính sách đối với cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến đã để kéo dài quá lâu và là đối tượng tuổi đã cao nên việc giải quyết trở nên rất cấp thiết. Vì vậy, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số chế độ chính sách và tập trung giải quyết cho xong trong thời gian 1, 2 năm tới, cố gắng giải quyết không để một trường hợp nào đủ tiêu chuẩn mà không được hưởng chế độ ưu đãi người có công với nước, ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và của Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang đã làm đông đảo cựu thanh niên xung phong cả nước vô cùng xúc động và rất tin tưởng chờ mong.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhất là sắp kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, hàng chục vạn gia đình cựu thanh niên xung phong khắp các vùng trong cả nước mòn mỏi đón chờ quyết định của Thủ tướng mà vẫn chưa có, trong khi đó mỗi năm có hàng nghìn đồng chí già yếu, ốm đau, bệnh tật, tái phát vết thương, bị nhiễm chất độc lần lượt qua đời thì khi sống không được có chế độ bảo hiểm y tế đến khi chết cũng không có được chế độ mai táng phí. Với lòng biết ơn sâu sắc và tin tưởng tuyệt đối với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, nhà nước, đoàn Chủ tịch hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam trân trọng và khẩn thiết báo cáo lên Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng để kính mong có sự lãnh đạo thật sự hiệu lực đối với các cơ quan chức năng để khẩn trương giải quyết dứt điểm tình trạng bức xúc đau lòng này của hàng chục vạn gia đình người có công với nước. Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam tha thiết đề nghị các cơ quan lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế cần quan tâm đúng mức đến đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong đó việc quan tâm giải quyết chính sách cho người có công với nước là một trong những nội dung giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng tốt nhất để thế hệ trẻ tiếp bước các thế hệ cha anh đương đầu với những thử thách nguy cơ đang ở phía trước của Tổ quốc ta, dân tộc ta. Xin cảm ơn Quốc hội.