1.3.2.1. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang hiện hữu trên thế giới và được nhân loại quan tâm do đã và đang tác động sâu rộng, mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu. Trong những năm qua, thế giới đã phải gánh chịu những thiên tai nguy hiểm như bão lớn, nắng nóng dữ dội, lũ lụt, hạn hán và khí hậu khắc nghiệt gây thiệt hại lớn về của cải vật chất. Đã có những nghiên cứu chứng minh rằng, có mối quan hệ nhân quả giữa các thiên tai với hiện tượng này.
Các nhà khoa học cho rằng: thế kỷ vừa qua, nhiệt độ trung bình của Trái đất đã tăng thêm 1oC do việc tích lũy các chất cacbon dioxit (CO2), metan (CH4) và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác trong không khí (như N2O, HFCs, PFCs, SF6). Biến đổi khí hậu được gọi là toàn cầu vì nó diễn ra ở hầu như mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách các nước bị ảnh hưởng bởi khí hậu toàn cầu. Do đặc điểm vị trí địa lý Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước những biến đổi khí hậu cả về hình thái khí hậu khi mực nước biển tăng, lẫn diện tích đất canh tác sẽ bị thu hẹp. Nếu không có những biện pháp phù hợp và hiệu quả để giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, hậu quả sẽ là khôn lường.
Biến đổi khí hậu Tr á i Đ ấ t là sự thay đổi của hệ thống kh í h ậ u gồm: khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định từ tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. (vi.wikipedia.org/wiki )
Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC): Biến đổi
khí hậu là sự thay đổi của khí hậu do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của hoạt động con người dẫn đến thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu, được quan sát trên một chu kỳ thời gian dài.
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế và ổn định sáu loại khí nhà kính chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6.
CO2 phát thải khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) và là nguồn khí nhà kính chủ yếu do con người gây ra trong khí quyển. CO2 cũng sinh ra từ các hoạt động công nghiệp như sản xuất xi măng và cán thép.
CH4 sinh ra từ các bãi rác, lên men thức ăn trong ruột động vật nhai lại, hệ thống khí, dầu tự nhiên và khai thác than.
N2O phát thải từ phân bón và các hoạt động công nghiệp.
HFCs được sử dụng thay cho các chất phá hủy ôzôn (ODS) và HFC-23 là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất HCFC-22.
PFCs sinh ra từ quá trình sản xuất nhôm.
SF6 sử dụng trong vật liệu cách điện và trong quá trình sản xuất magiê.
Vai trò gây hiệu ứng nhà kính của các chất khí được xếp theo thứ tự sau: CO2 > CFC > CH4 > O3 > NO2
Các biểu hiện của biến đổi khí hậu:
Sự nóng lên của khí quyển và Trái đất nói chung.
Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên Trái đất.
Sự dâng cao mực nước biển do băng tan, dẫn tới sự ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển.
Sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của Trái đất dẫn tới nguy cơ đe dọa sự sống của các loài sinh vật, hệ sinh thái và con người.
Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hoá khác.
1.3.2.2. Tác động của khai thác và sử dụng năng lượng đối với biến đổi khí hậu
Các nguồn năng lượng hóa thạch trên Thế giới đang dần cạn kiệt, thêm nữa là những vấn đề môi trường nảy sinh trong quá trình khai thác đã dẫn đến việc khuyến khích sử dụng năng lượng hoàn nguyên để giảm bớt sự ô nhiễm môi trường và tránh gây cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch. Nhưng do chưa có những điều luật cụ thể về vấn đề này, nên dầu mỏ, than đá, khí thiên nhiên vẫn được coi là nguồn nhiên liệu chủ yếu để nhằm thỏa mãn những đòi hỏi về năng lượng và chính điều đó sẽ dẫn đến sự cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch trong một thời gian không xa.
Khi đề cập về tình hình dự trữ, khai thác hay sử dụng các nguồn năng lượng nhất là nguồn năng lượng hóa thạch trên Thế giới, chúng ta không thể bỏ qua những tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của các hoạt động đó đối với môi trường. Hiện nay cũng như trong
các thập kỷ sắp tới đây, việc làm sao để giảm thiểu khí nhà kính sinh ra trong quá trình sử dụng và đốt cháy năng lượng là một vấn đề vô cùng cấp thiết vì sự gia tăng lượng khí nhà kính sẽ gây ra sự thay đổi khí hậu toàn cầu do trái đất nóng lên và làm cho không khí trở nên ô nhiễm nặng nề. Chúng ta sẽ đề cập đến các yếu tố do việc tiêu thụ năng lượng tác động lên môi trường, khí quyển do đó làm tăng các chất gây ô nhiễm cho không khí như chì, sulfur oxides, nitrogen oxides, các vật chất hữu cơ không ổn định. Ở nhiều quốc gia còn quan tâm đến cả việc giảm lượng thủy ngân tạo ra trong quá trình sản xuất điện năng để tránh gây ô nhiễm đất, sông ngòi, ao hồ và đại dương.
Hàng năm con người khai thác và sử dụng hàng tỉ tấn than đá, dầu mỏ, khí đốt. Đồng thời cũng thải vào môi trường một khối lượng lớn các chất thải khác nhau như: chất thải sinh hoạt, chất thải từ các nhà máy và xí nghiệp làm cho hàm lượng các loại khí độc hại tăng lên nhanh chóng. Theo thông kê hàng năm có: 20 tỉ tấn CO2; 1,53 triệu tấn SiO2; hơn 1 triệu tấn niken; 700 triệu tấn bụi; 1,5 triệu tấn asen; 900 tấn coban (Co); 600.000 tấn kẽm (Zn), hơi thuỷ ngân (Hg), hơi chì (Pb) và các chất độc hại khác... được thải vào bầu khí quyển.
Lượng phát thải khí CO2 do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã tăng hàng năm trung bình tỷ lệ từ 6,4 tỷ tấn cacbon (xấp xỉ 23,5 tỷ tấn CO2) trong những năm 1990 lên đến 7,2 tỷ tấn cacbon (xấp xỉ 45,9 tỷ tấn CO2) mỗi năm trong thời kỳ từ 2000 – 2005.
Đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra các axít như sulfuric, cacbonic và nitric, các chất có nhiều khả năng tạo thành mưa axít và ảnh hưởng đến các vùng tự nhiên và hủy hoại môi trường. Nhiên liệu hóa thạch cũng chứa các chất phóng xạ chủ yếu như urani và thori, chúng được phóng thích vào khí quyển.
Tổng quan năng lượng năm 2004 (IEO2004) đã dự đoán về sự phát sinh khí thải CO2 có liên quan tới năng lượng mà như đã nêu trên chủ yếu là khí thải carbon dioxide do con người gây ra trên toàn cầu. Căn cứ vào những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế khu vực và sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, trong IEO2004 đã cho thấy sự thải khí carbon dioxide trên toàn cầu sẽ tăng nhanh hơn rất nhiều trong cùng một chu kỳ so với những năm 1990. Sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tăng cao đặc biệt là ở những nước đang phát triển phải có trách nhiệm rất lớn đối với việc tăng rất nhanh lượng khí thải carbon dioxide bởi vì mức tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số cao hơn nhiều lần so với ở các nước công nghiệp hóa, mà cùng với nó sẽ là việc nâng cao mức sống, cũng như nhu cầu về năng lượng sử dụng trong quá trình công nghiệp hóa. Về lượng khí thải CO2 trên toàn cầu, chúng ta có thể thấy rằng các nước đang phát triển sẽ chiếm đa phần trong việc sử dụng năng lượng trên Thế giới. Thải khí nhà kính nhiều nhất trong số những nước này chính là Trung Quốc, quốc gia có tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cũng như sử dụng nhiên liệu hóa thạch cao nhất.
Trong Thế giới công nghiệp hóa, hơn một nửa lượng khí thải CO2 là do sử dụng dầu mỏ, tiếp theo đó 31% lượng khí thải là do sử dụng than. Theo dự báo qua từng giai đoạn thì dầu vẫn là nguồn nhiên liệu chủ yếu gây ra khí thải CO2 ở các quốc gia công nghiệp hóa vì nó vẫn là một phần quan trọng được sử dụng trong ngành vận tải. Sử dụng khí tự nhiên và lượng khí thải sinh ra trong quá trình sử dụng cũng được dự đoán là sẽ tăng lên, đặc biệt trong ngành công nghiệp điện và có thể lượng khí thải sinh ra trong quá trình sử dụng khí tự nhiên sẽ lên tới 24% vào năm 2025.
Theo thống kê mới nhất của Viện Dầu khí Việt Nam, đến năm 2015, lượng khí phát thải nhà kính (khí CO2) từ hoạt động của ngành công nghiệp dầu khí sẽ lên tới 42 triệu tấn, tăng 3,6 lần so với năm 2011, tác động đáng kể đến biến đổi khí hậu.
Nguyên nhân khiến lượng khí phát thải nhà kính của ngành dầu khí tăng cao là do các nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhơn Trạch 2, nhà máy đạm Cà Mau, nhà máy xơ sợi Đình Vũ và ba nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ đi vào hoạt động ổn định nên thải ra lượng khí nhà kính đáng kể. Trong đó, nguồn phát thải lớn nhất là từ các nhà máy điện với 5,6 triệu tấn/năm, chiếm 50%
tổng lượng phát thải. Tiếp đến là phát thải từ ngành công nghiệp khai thác dầu khí chiếm khoảng 28%, ngành lọc hóa dầu chiếm 18%, phần còn lại là từ sản xuất phân đạm và công nghiệp khí.
Dầu mỏ và than đã và đang được coi là năng lượng chính gây ra phần lớn lượng khí thải CO2 ở các nước đang phát triển. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn được cho là hai nước sử dụng nguồn than nội địa để dùng trong việc phát điện và các hoạt động công nghiệp. Hầu hết các khu vực đang phát triển vẫn sẽ tiếp tục sử dụng chủ yếu là dầu mỏ để đáp ứng các nhu cầu về năng lượng đặc biệt là năng lượng sử dụng trong lĩnh vực vận tải.
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 1
1. Khái niệm năng lượng? Thế nào là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả? 2. Phân loại năng lượng, vai trò của năng lượng trong sản xuất và đời sống?
3. Tình hình khai thác và sử dụng năng lượng? Các tác động của việc khai thác và sử dụng năng lượng đến biến đổi khí hậu toàn cầu?
Chương 2. CÁC CHÍNH SÁCH SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG
TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
Năng lượng có vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Những hệ quả nghiêm trọng do các cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra trong lịch sử đã cho thấy tầm quan trọng của năng lượng đối với cuộc sống của con người. Giá năng lượng tác động mạnh tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Gần đây có thể thấy mỗi khi xăng dầu tăng giá, một loạt các hàng hóa, dịch vụ khác tăng giá theo.
Việt Nam là nước sử dụng năng lượng không hiệu quả, lại phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu xăng, dầu nên nền kinh tế bị tác động rất lớn bởi những biến động về năng lượng trên thế giới. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần: giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, cải thiện môi trường làm việc, tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Tiết kiệm năng lượng đem lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức được. Thậm chí, nhiều hành động còn đi ngược lại với những khuyến cáo về sử dụng năng lượng có ích. Trong sinh hoạt thường ngày ở gia đình, ở cơ quan công sở hoặc trong sản xuất kinh doanh vẫn phổ biến tình trạng ít quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể như việc mua sắm vật dụng (điều hòa, tủ lạnh, ti vi...) ta thường quan tâm tới công suất, tiện ích, hình thức chứ ít khi quan tâm đến việc tiêu thụ điện của chúng. Trong sản xuất, các thiết bị máy móc cũng vậy, còn nhiều chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến tiện ích, công suất và giá thành của thiết bị. Chỉ tiêu sử dụng năng lượng vẫn bị coi là thứ yếu.
Nhà nước ta đã nhận thấy tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng chưa hợp lý của toàn xã hội, nó cũng là một trong những nguyên nhân gây sự trì trệ cho sự phát triển của đất nước. Chỉ số về tiêu thụ năng lượng trên 1000 USD GDP của Việt Nam là 600kg dầu quy đổi (với Thái Lan là 400kg và thế giới là 300kg). Qua chỉ tiêu về tiêu thụ năng lượng như vậy đã cho thấy sự canh tranh về giá cả của Việt Nam so với khu vực và thế giới còn quá khó khăn.
Ngày 17/6/2010, Quốc hội đã ban hành Luật số 50/2010/QH12 quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật đã nêu rõ chính sách của nhà nước, cũng như chiến lược, quy hoạch chương trình sử dụng năng lượng của Nhà nước. Trong đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được khuyến khích và yêu cầu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, nông nghiệp, dịch vụ, hộ gia đình, dự án đầu tư, cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.