5. Phương pháp nghiên cứu
1.2.4. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án
Các bản án, quyết định có hiệu lực pháp lý trên thực tế trong Bộ tình huống điển hình học phần Luật Môi trường không chỉ mang lại “chất liệu” thực là các tình huống phát sinh trên thực tiễn, qua đó nhìn nhận các vấn đề nảy sinh thường xảy đến trong quan hệ pháp luật về môi trường, ngoài ra còn tạo cho sinh viên cơ hội tiếp
25
cận với hồ sơ vụ án, tiếp cận với triển vọng nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động tiếp cận nội dung của các nguồn văn bản trên sẽ bị hạn chế nếu không có cách thức, kỹ năng tiếp cận bài bản, khoa học. Trường hợp này đòi hỏi sinh viên phải trải qua quá trình xem xét, đọc, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhằm nắm vững bản chất vụ án, diễn biến của hành vi phạm tội, qua đó xác định sự thật khách quan của vụ án. Trên cơ sở này, đưa ra những định hướng, đề xuất về vấn đề cần giải quyết, chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường có liên quan để điều chỉnh, giải quyết vấn đề. Kỹ năng nghiên cứu tài liệu hiệu quả giúp sinh viên định hướng đúng vấn đề cần giải quyết, hiểu rõ các quan điểm, định hướng giải quyết vấn đề được ghi nhận trong bản án, quyết định có hiệu lực đó. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ tự giải quyết dựa trên quan điểm của mình, tiến hành so sánh, đối chiếu với cách nhìn nhận của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tình huống để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng lý luận và thực tế.
Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án bao gồm nhiều nội dung cần tiến hành hoạt động này. Có thể tiến hành nghiên cứu chung về quá trình tố tụng như những chủ thể tham gia quá trình tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc nghiên cứu trình tự, thủ tục tiến hành phiên tòa.... Ở góc độ nhìn nhận khác, việc nghiên cứu có thể tập trung vào mặt nội dung, cụ thể là việc nhìn nhận kỹ lưỡng về các tình tiết phát sinh, nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án về những vấn đề phải chứng minh như thiệt hại về chức năng, tính hữu ích của môi trường, những thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư do ô nhiễm môi trường gây ra. Không dừng lại ở đó, thông qua hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án, sinh viên được tiếp cận góc độ thực tiễn về các biên bản lấy lời khai của các đương sự trong vụ án môi trường, các biên bản bàn giao hiện trường vụ án, biên bản về kết quả phân tích chất lượng các thành phần môi trường bị ô nhiễm trên cơ sở các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và các tiêu chuẩn môi trường đặt ra, làm
26
cơ sở quy trách nhiệm cho các chủ thể có liên quan đến thực trạng ô nhiễm môi trường.
Trong Bộ tình huống điển hình về lĩnh vực môi trường được các tác giả thực hiện, chất liệu thực tế từ đời sống là các bản án, quyết định có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền được thể hiện rõ ở các chương về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thông qua việc tiếp cận nội dung từ các bản án, quyết định có hiệu lực, sinh viên có cơ hội tiếp cận với bản án thực tế, học hỏi cách thức trình bày, lập luận của cơ quan nhà nước. Đồng thời qua đó, tự bản thân đánh giá tính hợp lý trong văn bản được nhà nước ban hành.