6. Bố cục của báo cáo
2.3.1. Nhân vật anh hùng, thánh thiện
Hồ Biểu Chánh đã thành công trong việc xây dựng được hệ thống nhân vật anh hùng trong hai tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của mình. Ông đã có một bước tiến so với văn học trung đại trong tư tưởng nghệ thuật cũng như hình thức thể hiện về người anh hùng. Ông đã xây dựng được một tập thể anh hùng đông đảo, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, có anh hùng vô danh và cả hữu danh. Hồ Biểu Chánh tập trung ca ngợi những nét tính cách vĩ đại, phi thường của những người anh hùng. Đó là lý tưởng dựng nước, giữ nước, dám xả thân vì sự nghiệp lớn lao của dân tộc, có lòng căm thù giặc sâu sắc, xem thường danh lợi. Chính lòng căm thù là động lực thúc đẩy tinh thần chiến đấu ở họ. Còn trong chiến đấu, họ là những con người kiên cường, dũng mãnh, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để cứu nước, cứu dân. Mỗi nhân vật anh hùng của Hồ Biểu Chánh tuy mức độ thể hiện đậm nhạt khác nhau nhưng đều rất nổi bật. Họ đều là những con người có lý tưởng sống chân chính, lấy sự đóng góp sức lực của bản thân mình cho cuộc đấu tranh chung của dân tộc làm lẽ sống, làm mục đích cao cả của đời mình.
Ở tác phẩm Nặng gánh cang thường, nhân vật anh hùng nổi bật nhất đó là Thanh Tòng. Và cũng vì là nhân vật chính nên chàng xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. Đây cũng chính là nhân vật mà Hồ Biểu Chánh lựa chọn để gửi gắm tư tưởng đạo lý cao cả tam cương ngũ thường. Ở ngay tình huống đầu tiên nhà văn đã đặt Thanh Tòng vào thế khó xử đó là phải làm tròn chữ hiếu, trả thù cho cha. Nhưng làm sao trả thù được khi mà kẻ thù chính là cha vợ tương lai của mình. “Thế nào mình cũng phải báo thù, trước trả thảo cho cha, sau giữ
danh giá cho tông tổ. Làm như vậy mới đáng mặt trượng phu, làm như vậy mới trọn niềm hiếu tử... Mà báo thù làm sao cho được! Người thù là cha vợ của mình. Nếu mình vì thù cha, vì danh giá, mà đối địch cùng cha vợ mình, ví
như mình dở mình chết, thì là trọn thảo cùng cha, rạng danh nam tử, dầu có chết mình cũng cam lòng. Còn như rủi mình thắng cha vợ mình, thì còn gì là nghĩa châu trần, còn gì là niềm phu phụ” [25;7].
Một bên là hiếu, một bên là tình, biết làm sao cho vẹn toàn. Cuối cùng Thanh Tòng cũng đến dinh của Thái úy Lê Niệm để nói chuyện phải quấy với ông. Nhưng Lê Niệm tính tình ngang ngược, không biết phải trái lại còn động tay động chân, do vô tình nên bị trọng thương rồi mất. Tuy không phải lỗi của mình nhưng Thanh Tòng ăn năn vô cùng, đã trả thù xong cho cha nhưng vì tình nghĩa với Lệ Bích cũng không còn được nguyên vẹn nữa nên chàng không thiết sống, quỳ chịu chết với nàng. May thay nàng không đành lòng hạ thủ nên chàng mới giữ lại được tính mạng của mình.
Có thể thấy Thanh Tòng là một người chính trực, dám làm dám chịu. Trong lúc suy nghĩ về việc trả thù cho cha, chàng không ngừng do dự. Muốn tròn chữ hiếu, cũng muốn tròn cái tình. Cái tình thế trớ trêu này làm cho chàng phải day dứt, đau khổ. Và khi cha vợ là Thái úy Lê Niệm đã chết, chàng không hề bỏ trốn. Mặc dù không phải là lỗi của chàng, nhưng người có chí khí anh hùng là phải dám làm dám chịu, phải có trách nhiệm những việc mình đã gây ra. Vì thế chàng đã ở lại mà chịu tội với Lệ Bích.
Vì để lấy công chuộc tội mà Thanh Tòng phải tuân lệnh vua đi đánh giặc Chiêm Thành. Cũng nhờ đó mà ta thấy được cái khí chất anh hùng, cái tài thao lược của Thanh Tòng. Như lời của Lệ Bích nói: “Giặc Chiêm Thành là
giặc dữ, Thân công tử còn nhỏ tuổi quá không biết có đủ tài mà dẹp nổi hay không” [25;18]. Nhưng khi ra trận, Thanh Tòng như trở thành một con người
khác. “Thanh Tòng với Trà Na đánh nhau dư trăm hiệp, thương qua kích lại
sáng ngời như sao xẹt, kẻ đỡ người đâm mau lẹ như tơ chùm bay. Thanh Tòng thấy Trà Na võ nghệ cao cường liệu thế dùng tài mà đối địch thì khó thắng nổi, bởi vậy chàng trá bại quày ngựa nhắm núi Kỳ Sơn mà chạy. Trà Na huơi thương giục ngựa đuổi theo, Thanh Tòng bèn dùng cái tài phi kiếm là tài riêng của chàng, đợi Trà Na theo gần kịp, chàng mới rút cây kiếm ra rồi nhắm ngay mặt Trà Na mà phóng. Trà Na ơ hờ, cứ lo mà rượt thôi, chớ không dè nguy hiểm, bởi vậy chừng ngó thấy cây kiếm gần tới mặt thì lật đật né mình mà tránh, làm cho con ngựa giựt mình trở qua một bên, Trà Na trật yên té lăn xuống đất” [25;21].
Đánh giặc chiến thắng trở về, được vua khen ngợi, miễn tội chết cho và vua còn đứng ra làm chủ hôn cho Thanh Tòng và Lệ Bích. Vì Lệ Bích đã bỏ trốn
nên vua đòi gả công chúa Như Hoa, nhưng chàng không vì quyền uy mà khiếp sợ, vẫn một lòng chung thủy với Lệ Bích: “Thanh Tòng nghe vua phán
như vậy thì sửng sốt trong lòng, nên vội vã quì mà tâu rằng: Muôn tâu Bệ hạ, tội thần đã nặng lời thệ ước cùng Lệ Bích. Vì trời khiến cuộc cồn dâu hóa vực, chớ nào phải tội thần toan đoạn nghĩa dứt tình. Nay Lệ Bích vì tội thần mà nàng phải trêu cay nuốt đắng, đạp sỏi dày sương, có lẽ nào tội thần đành vùi lấp tình xưa, mà vui vầy cùng duyên mới” [25;33].
Nếu mà là một người khác, thì khi khi được gả công chúa, được hưởng vinh hoa phú quý thì ai mà không ưng thuận. Nhưng Thanh Tòng lại không phải là loại người ham danh lợi, không vì lợi lộc mà quên tình xưa nghĩa cũ. Chàng hiểu cho sự khó xử của Lệ Bích, thương cho thân phận nàng, mất cha lại còn phải lưu lạc. Thế nên chàng quyết tâm phải tìm được nàng dẫu cho khó khăn cách mấy. Rồi khi kháng lệnh vua mà trì hoãn việc thành thân với công chúa, chàng bị bắt đi đày ở Cao Bằng, mặc dù bị uất ức nhưng chàng vẫn không thay lòng đổi dạ. Chàng quyết giữ trọn cái tình, làm tròn tam cương: “Quân
thần, phụ tử, phu phụ là tam cang, cang nào cũng đều trọng. Hai cang đầu chàng đã giữ vẹn toàn vì cớ nào lại không để cho chàng giữ luôn cho trọn cái cang sau nữa? Chết với vua được, chết với cha được, vợ chồng cũng chết với nhau được vậy, chớ có lý nào không. Ðã biết công chúa thì là cao sang mà có cái cao sang nào bằng lời thệ ước ngày xưa” [25;45].
Trên đường đi đày Thanh Tòng có gặp hai anh em họ Đinh và Tô Hộ, hai anh em họ Đinh có ý muốn chàng trốn thoát, làm phản. Nhưng Thanh Tòng nào có làm như vậy, chàng nói: “Ta phạm tội triều đình, nên ta phải bị đày;
tội ta đáng lắm, ta không phiền trách chi hết” [25;46]. Chàng còn khuyên hai
anh em họ Đinh: “Hai anh phải tận tâm giúp nước phò vua, dầu tan xương
nát thịt cũng đừng nao núng” [25;46]. Nhưng mãi mà vẫn không khuyên
được, chàng tức lắm. Bởi vì Thanh Tòng là con nhà quan, cái tư tưởng trung
quân ái quốc đã ngấm sâu vào lý trí của chàng, chàng coi quan hệ quân thần
là quan trọng hơn hết. Bởi vậy, càng nghe Đinh Long, Đinh Hổ nói thêm câu nào, chàng càng đau xót thêm chừng ấy. “Ðinh huynh là đạo làm tôi, không
được phép bài bác lịnh của Thiên tử” [25;46]. “Con người ở đời chẳng có chi trọng cho bằng đạo quân thần. Ðinh huynh đừng có nói như vậy mà mang lỗi. Thà là chết, chớ không nên sống mà mang chữ phản thần” [25;47]. Thậm
chí chàng còn đòi dứt tình bằng hữu bởi vì chàng không thể làm bạn với người phản chúa được.
Khi mà Thanh Tòng gặp phải bọn cường khấu, chẳng những không sợ hãi mà chàng còn xin được giúp đỡ quan Chánh sứ ở đó diệt ác trừ gian, cứu giúp lương dân. Điều này đã thể hiện tinh thần nghĩa hiệp của người anh hùng, sẵn sàng ra tay giúp đỡ mọi người không nề hà. Và chỉ bằng một vài dòng văn mà Hồ Biểu Chánh đã miêu tả được sự dũng mãnh của Thanh Tòng mặc dù chàng còn rất trẻ: “Thanh Tòng huơ côn đối địch, cây côn bay qua luyện lại như sao
xẹo huơ một cái thì cường khấu ngã lăn hai ba thằng. Bọn đi trước đều ngã hết, bọn sau thấy vậy kinh tâm, không dám tới nữa”. “Ðầu đảng là Lương Cáng thấy vậy bèn hét lên một tiếng rất lớn, rồi cầm búa lướt tới mà chém Thanh Tòng, Thanh Tòng đỡ vẹt lưỡi búa rồi đánh trả lại”. “Hai đàng đánh đỡ cùng nhau chưa được mấy cái, thì thấy Thanh Tòng bỏ cây côn trên vai rồi rút mà chạy. Lương Cáng hăm hở tốc theo, hai tay đưa búa lên nhắm Thanh Tòng mà chém. Thanh Tòng trớ qua phía tay trái lẹ như nháy mắt, rồi vụt cây côn nghe một cái vù thì liền thấy Lương Cáng té sấp không cựa quậy”
[25;50]. Thanh Tòng tuổi trẻ tài cao, chỉ dựa vào sức mình mà đã có thể diệt được hết bọn cường khấu. Chàng được quan Chánh sứ hết lòng khen ngợi, vả lại quan Chánh sứ vừa thương tình, vừa quý cái tài của chàng nên nhận chàng làm con nuôi. Nhờ đó mà ở những diễn biến tiếp theo, chàng mới được gặp lại Lệ Bích, người con gái hiếu nghĩa vẹn hai.
Ngặt một nỗi vừa đoàn tụ xong thì quốc gia gặp nguy biến, Trịnh Công Lộ là quần thần trong triều tạo phản cướp ngôi. Thanh Tòng nghe vậy liền thưa rằng: “Xã tắc khuynh nguy, phận con làm trai, tuy con bất tài, song cũng
muốn đem thân ra mà nưng đỡ. Vậy con xin hai cha cho phép con đi bây giờ đây. Trước hết con phải qua Bắc Giang mà giải vây cho ông Lê Thọ Vực là ân nhơn của con, rồi con hiệp cùng ngài mà phá giặc. Hễ dẹp binh ở ngoài yên rồi thì thẳng về kinh đô, trong một trận ắt thành công'' [25;65]. Phận làm trai, lại còn là một người anh hùng thì phải kiên cường, dũng mãnh, quật cường. Cái tinh thần chiến đấu bất khuất, giết giặc cứu nước phải luôn sẵn sàng. Điều này đã thể hiện rất rõ qua những lời nói của Thanh Tòng.
Và cuối cùng giặc cũng bị đánh tan, triều đình khôi phục yên ổn, Thanh Tòng đã làm tròn sứ mạng, bổn phận của mình đối với vua, với nước. Chàng được vua khen thưởng, phong lại chức tước, lại còn có gia đình đoàn tụ, viên mãn cùng với Lệ Bích, công chúa Như Hoa và Xuân Lan. Một người vừa có tài vừa có đức, trải qua biết bao nhiêu là thử thách gian khổ, cuối cùng cũng có kết thúc trọn vẹn.
Thanh Tòng, một người anh hùng trong cuộc sống bình thường, nhân vật hiện lên rất chân thật và gần gũi. Tuy là anh hùng và mang nhiều phẩm chất tốt đẹp, nhưng chàng cũng là một con người bình thường, cũng có cuộc sống riêng của mình. Ngay từ tên của tác phẩm, Nặng gánh cang thường, đã nói lên tất cả. Trong xã hội xưa, nam nhân phải mang trong mình trách nhiệm, bổn phận rất nặng nề đối với quốc gia dân tộc. Trước hết là phải lập công danh sự nghiệp, sau là phải sống theo đạo đức truyền thống, phải lấy tam
cương ngũ thường làm chuẩn mực, là mục đích sống. Nhưng khi người anh
hùng đó trở về với cuộc sống thường ngày thì cũng chỉ là một con người bình thường, có những tâm tư, khát khao riêng của bản thân mình. Ở Thanh Tòng thì cái nỗi niềm đó chính là tình yêu giữa chàng và Lệ Bích. Một tình yêu đẹp nhưng dang dở, trải qua rất nhiều khó khăn, vướng bận rất nhiều chuyện. Nhưng đúng theo motip kết thúc có hậu của Hồ Biểu Chánh, ở hiền gặp lành, cuối cùng hai người cũng được ở bên nhau. Người anh hùng đã có được hạnh phúc sau bao nhiêu gian khổ, vất vả.
Không chỉ có nhân vật Thanh Tòng được khắc họa là người anh hùng, trong
Nặng gánh cang thường vẫn có những nhân vật khác cũng là người anh hùng
nhưng không được khắc họa đậm nét bằng. Đó chính là hai anh em Đinh Long và Đinh Hổ.
Một trong những nét khác biệt của Hồ Biểu Chánh trong việc xây dựng nhân vật người anh hùng đó là họ xuất thân từ nhiều tầng lớp. Nếu như Thanh Tòng có xuất thân cao quý, là con nhà quan thì hai anh em họ Đinh lại có xuất thân tầm thường. Mặc dù không cùng tầng lớp, giai cấp nhưng họ lại kết thành bằng hữu bởi vì ở họ có cùng chung chí hướng. Hai anh em họ Đinh xuất hiện qua lời của Thanh Tòng: “Thưa cha mẹ, hai người nầy là anh em
ruột với nhau, người lớn tên Ðinh Long, người nhỏ tên Ðinh Hổ. Cha mẹ khuất sớm, anh em dắt nhau rảo bước giang hồ, tìm thầy chọn bạn mà luyện tập nghiệp võ nghe văn, chờ cơ hội ra phò vua giúp nước. Khi con vào tới Hoành Sơn con gặp anh em họ Ðinh, con thấy người có khiếu anh hùng, có tài hào kiệt, con kết làm bằng hữu. Nay con trở về, con dắt về bái kiến cha mẹ. Xin cha mẹ vui lòng cho anh em họ Ðinh ở trong dinh với con, đặng ba anh em con ôn nhuần kinh sử, rèn tập kiếm cung, chờ lịnh trên mở hội cầu hiền, con sẽ lập công danh mà đền nợ nước” [25;5]. Mặc dù không được ở
trong môi trường giáo dục đầy đủ, nhưng hai anh em họ Đinh vẫn mang những phẩm chất tốt đẹp, mang chí khí của người anh hùng. Họ là hiện thân
của những người anh hùng trong cuộc sống bình thường nhưng không tầm thường. Tuy có đôi lúc ở họ vượt ra ngoài khuôn khổ tam cương ngũ thường truyền thống bởi họ không hề chịu ơn vua nhưng tình yêu đối với đất nước, dân tộc không khi nào phai mờ trong tâm trí họ.
Hai anh em họ Đinh một mực trung thành, hết lòng hết dạ với Thanh Tòng. Khi nghe tin Thanh Tòng phải đi đánh giặc Chiêm Thành, họ xin theo làm tiền đạo tiên phong. Trước hết đây là cái dịp để họ có thể tận tâm tận lực mà phò vua giúp nước, sau là họ không phải là loại người hèn nhát, thấy bằng hữu của mình đi vào chỗ hiểm nguy mà không tương trợ. Rồi khi Thanh Tòng bị bắt đi đày ở Cao Bằng, hai anh em họ Đinh đuổi theo để giải thoát cho chàng. Nhưng Thanh Tòng ngăn cản, và khuyên răn hai anh em phải về triều mà lo phò vua giúp nước. Nhưng họ kiên quyết không chịu bởi quan niệm trung quân của họ khác với Thanh Tòng. Họ không được giáo dục theo lễ giáo Nho gia phong kiến, nên đối với họ cái nghĩa, cái tình được xem trọng hơn hết thảy. Ở đây tình nghĩa của họ đối với người ơn của mình là Thanh Tòng, lời của Đinh Long càng thêm khẳng định quan niệm đó: “Anh em tôi chẳng
muốn giúp ai, chẳng chịu phò ai nữa hết. Anh em tôi có giúp thì giúp công tử, có phò thì phò công tử mà thôi” [25;46]. Họ chỉ muốn đòi lại công bằng cho
Thanh Tòng, từng lời họ nói ra tuy có ngang ngạnh nhưng cũng chỉ vì xót thương cho người bằng hữu thân tình: “Phản thần hay là trung thần cũng vậy.
Theo ý tôi, bọn ta nên thờ cái công lý thì phải hơn. Ai giữ công lý thì mình kính phục, ai không giữ công lý thì mình chống cự, chẳng cần gì phải lo giữ lòng trung với ai, hay là phải sợ mang tiếng phản ai” [25;47]. Họ đại diện
cho nhân dân, nói lên tiếng nói của người dân. Họ trung là trung với dân với nước chứ không trung theo quan điểm Nho gia tấc đất ngọn rau ơn Chúa như những quan quân triều đình chịu ơn vua.
Thanh Tòng khuyên răn không được nên bỏ đi, không cho họ đi theo nữa. Hai anh em họ Đinh quyết không về triều làm quan hưởng lợi lộc, vinh hoa