Di tích tôn giáo tín ngưỡng

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xứ Mô Xoài diễn trình lịch sử, đời sống xã hội và văn hóa (Trang 26 - 31)

3.4.2.1 Khái quát di tích tôn giáo tín ngưỡng

Vùng Mô Xoài có hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng đa dạng. Không gian tập trung các miếu thờ đều nằm gần đình; chùa nằm xa đình hơn. Hai di tích tiêu biểu nhất ở Mô Xoài là chùa và đình, trong đó chùa được xây dựng trước. Đình thần ở Mô Xoài chỉ là nơi thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, không phải nơi hội họp công cộng của cư dân; vị trí của đình nằm cao hơn so với mặt đất của làng, trước kia nằm xa khu dân cư; quy mô kiến trúc, vẻ bề thế của đình không lớn như châu thổ Bắc Bộ và vẻ cổ kính cũng không bằng.

22

3.4.2.2 Một số di tích tiêu biểu

Luận văn tập trung trình bày 3 di tích tiêu biểu là đình thần Long Hương, chùa Long Cốc và đình thần Phước Lễ. Đình thần Long Hương và đình thần Phước Lễ là hai đình quan trọng trong hệ thống đình ở trung tâm Mô Xoài. Chùa Long Cốc là chùa làng của Long Hương được xây dựng từ rất sớm.

Đình thần Long Hương còn gọi là đình thần Phước An là một di tích tiêu biểu của làng cổ Long Hương và trung tâm xứ Mô Xoài. Đình thần Long Hương hiện nay nằm ở khu phố Hương Điền phường Long Hương, thành phố Bà Rịa. Theo tài liệu hồi cố từ những cụ cao niên, đình thần được xây dựng khoảng năm 1788 đến 1802.

Chùa Long Cốc thuộc khu phố Hương Sơn, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa. Đây là chùa của làng Long Hương nên còn gọi là chùa Làng. Theo tư liệu hồi cố từ các vị kỳ lão, chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII.

Đình thần Phước Lễ thuộc khu phố 3 phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa. Đây là đình thần của làng cổ Phước Lễ. Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX cùng thời với đình Long Hương. Trước kia đây là ngôi đình nguy nga, cổ kính có quy mô lớn hơn đình Long Hương tuy nhiên đã bị thực dân Pháp đốt cháy năm 1948.

3.5 Tiểu kết

Dân cư ở Mô Xoài hết sức đa dạng, biến đổi phức tạp. Dân số ở vùng này đã bùng nổ mạnh vào cuối thế kỷ XIX. Nửa đầu thế kỷ XIX ở Mô Xoài có ít nhất 19 dòng họ, diện mạo số lượng dòng họ, số người trong dòng họ và vai trò kinh tế xã hội rất khác nhau. Tộc người bản địa ở xứ Mô Xoài vốn là người Mạ, nhưng đến ngày nay trở thành tộc người thiểu số, người Việt mặc dù mới có mặt ở đây từ thế kỷ XVII nhưng có số lượng đông đảo, tuyệt đối. Sự di động dân cư ở Mô Xoài diễn ra rất mạnh do đây là tiền đồn để người Việt tiến vào trung tâm Nam Bộ, những số liệu trong địa bạ 1836 phần nào cho thấy đặc tính di động của dân cư ở Mô Xoài.

23

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Mô Xoài rất sôi động. Tín ngưỡng dân gian phát triển trong khung cảnh thiên nhiên mới và phù hợp với tâm lý của người lưu dân. Tín ngưỡng dân gian vẫn tồn tại và phát triển mạnh đến ngày nay cho thấy tính gốc sâu dễ bền của đời sống tâm linh ở Mô Xoài. Phật giáo phát triển rất sớm cùng quá trình khai phá đất đai thiết lập làng xóm. Dường như quy tắc lễ nghi của Nho giáo không ảnh hưởng quá sâu sắc đến cư dân Mô Xoài vì nền giáo dục Nho học không phát triển. Công giáo cũng du nhập vào Mô Xoài từ thế kỷ XVIII và đến nay phát triển rất mạnh.

Xứ Mô Xoài có nhiều loại hình di tích như: thành, lũy, đình, chùa, miếu, đền, lăng. Thành, lũy là loại hình di tích phản ánh các hoạt động quân sự của chúa Nguyễn, triều Nguyễn, đây là dấu vết cho thấy tầm quan trọng chiến lược về quân sự, an ninh của xứ Mô Xoài xưa. Các loại hình di tích tôn giáo, tín ngưỡng khá đa dạng phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người dân Mô Xoài.

KẾT LUẬN

Xứ Mô Xoài là tiền đồn, bàn đạp của quá trình khai phá đất đai, xác lập chủ quyền Việt Nam ở Nam Bộ. Thế kỷ XVII đánh dấu quá trình bắt đầu khai phá Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn. Năm 1623, một sở thu thuế đã được thiết lập ở Sài Gòn nhưng chỉ là một điểm nhỏ, là bước thử nghiệm của chúa Nguyễn trong kế hoạch kỳ vĩ mở mang bờ cõi về phương nam. Phải đến khi khai mở được vùng đất Mô Xoài thì người Việt bắt đầu “hoàn tụ” đông đảo, chính quyền Đàng Trong mới có cơ sở vững chắc để đẩy mạnh quá trình khai phá Nam Bộ.

Vị trí của xứ Mô Xoài xưa chính là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trung tâm của xứ Mô Xoài nằm ở thành phố Bà Rịa. Với tư liệu địa bạ ở thế kỷ XIX có thể xác định chắc chắn trung tâm của Mô Xoài nằm ở 4 thôn làng: Long Hương, Phước Lễ, Long Kiên và Long Xuyên, các làng này tương đương với thành phố Bà Rịa. Nhưng phạm vi của xứ Mô Xoài rộng lớn hơn nhiều. Phạm vi ấy trải dài từ biển Đông đến núi Mô Xoài (núi Dinh). Nhờ có vị trí này, người Việt tiến vào phương nam bằng đường thủy đã cập những thôn làng đầu tiên ở xứ

24

Mô Xoài là Phước Hải, Phước Tỉnh rồi men theo hệ thống kênh rạch vào trung tâm Mô Xoài.

Trung tâm Mô Xoài luôn là lỵ sở của các đơn vị hành chính ở Bà Rịa-Vũng Tàu trong quá khứ. Long Hương là trung tâm của đạo Mô Xoài thế kỷ XVIII; Phước Lễ là huyện lỵ huyện Phước An và phủ lỵ phủ Phước Tuy nửa đầu thế kỷ XIX; nửa cuối thế kỷ XIX, Phước Lễ lại là tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa.

Với vị trí cửa ngõ, Mô Xoài đã đón những đoàn nông dân người Việt tiến xuống khai phá Nam Bộ. Cũng với vị thế này, chúa Nguyễn đã tập hợp quân đội ở đây để tiến sang Chân Lạp nhằm bảo vệ biên cương Đàng Trong. Đến cuộc chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh, Nguyễn Ánh tập hợp một lực lượng quân sự rất lớn để bảo vệ vùng đất xung yếu quan trọng này và là lá chắn cho khu vực Sài Gòn. Trong cuộc dẹp loạn khởi nghĩa Lê Văn Khôi, đại binh của triều Nguyễn cũng tập hợp ở đây, khu vực này diễn ra nhiều trận chiến nhằm chiếm con đường thủy bộ vào thành Phiên An.

Nhà Nguyễn đã thiết lập các sở thu thuế ở Mô Xoài nhằm kiểm soát con đường giao thương. Sở thuế ở Phước Lễ luôn thu được số tiền thuế vào loại cao nhất trong các sở thuế ở Nam Bộ vì nằm giữa con đường giao thương từ cửa Lấp vào sông Sài Gòn. Trên con đường thượng đạo, các tuần, thủ được thành lập để thu thuế các tộc người thiểu số và đảm bảo an ninh miền núi.

Mô Xoài có nhiều cửa biển quan trọng về an ninh. Trong các thế kỷ XVIII-XIX, chính quyền đã lập tấn thủ ở Long Hưng nhằm bảo vệ con đường biển từ cửa Lấp lên trung tâm Mô Xoài và tiến vào sông Sài Gòn. Thủ Phước Thắng ở Vũng Tàu nằm nhô ra biển là cửa quan trọng bậc nhất ở Nam Bộ nhằm kiểm soát hàng hải, chống cướp biển.

Xứ Mô Xoài có nền kinh tế cổ truyền hoàn bị, đa dạng. Với điều kiện tự nhiên và vị trí thuận lợi, cư dân Mô Xoài đã phát triển nhiều ngành nghề kinh tế có tính liên hợp, bổ sung cho nhau. Nông nghiệp là hoạt động quan trọng vì có dải đồng bằng lớn ở trung tâm Mô Xoài. Do nằm ở vị trí đắc địa, hoạt động sản xuất muối diễn ra ven các sông, rạch nước lợ ở phía nam, tây nam xứ Mô Xoài, muối trở thành mặt hàng kinh tế quan trọng nhất ở đây. Hoạt động khai thác

25

thủy-hải sản phát triển rất mạnh, xứ Mô Xoài có nhiều hệ thống kênh rạch lại giáp biển nên thuận lợi cho việc khai thác nguồn lợi từ biển, nước lợ, nước ngọt. Với vị thế thuận lợi về giao thông thủy, đường bộ nối Bình Thuận với tỉnh lỵ Biên Hòa nên thế kỷ XIX chợ ở Mô Xoài rất phát triển và tạo thành mạng lưới giao thương liên vùng.

Mặc dù nông nghiệp là hoạt động quan trọng nhất nhưng làm muối, khai thác thủy-hải sản lại là thế mạnh đặc biệt ở Mô Xoài. Điều này tạo nên thế liên hợp về kinh tế và đa dạng trong các sản phẩm kinh tế. Cộng với con đường giao thương thuận lợi, các sản phẩm hàng hóa ở Mô Xoài đã có vị trí quan trọng ở Nam Bộ.

Trong diễn trình lịch sử, xứ Mô Xoài có sự thay đổi của nhiều lớp dân cư. Lớp dân cư bản địa giờ đây trở thành thiểu số, người Việt khai phá Mô Xoài từ thế kỷ XVII trở thành cộng đồng đông đảo nhất. Nhưng người Việt cũng luôn có sự thay đổi với nhiều lớp dân cư. Do Mô Xoài là điểm trung chuyển vào khai phá Nam Bộ nên các lớp dân cư liên tục đến Mô Xoài rồi lại vào trung tâm Nam Bộ. Điều này giải thích tại sao tên địa danh Mô Xoài lại biến mất, chính vì sự thay đổi liên tục của các cộng đồng dân cư, đặc biệt thế kỷ XVII, XVIII cộng đồng dân cư người Việt từ Mô Xoài vào trung tâm Nam Bộ với quy mô rất lớn.

Xứ Mô Xoài có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội đặc sắc. Đời sống văn hóa của cư dân Mô Xoài có nhiều điểm khác với vùng châu thổ Bắc Bộ.

Đời sống văn hóa của cư dân Mô Xoài phản ánh diện mạo đa dạng nhưng cũng luôn biến đổi. Những hình thức tín ngưỡng dân gian của người Việt vùng Thuận Quảng vào đến Mô Xoài cũng như Nam Bộ đều bị thay đổi.

Các di tích ở Mô Xoài phản ánh diễn trình lịch sử đặc biệt ở đây. Hệ thống thành, lũy được tạo nên từ quá trình xác lập chủ quyền của chúa Nguyễn và các biến cố lịch sử sau này.

Ngày nay, vùng đất thuộc xứ Mô Xoài xưa đã trở thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trung tâm xứ Mô Xoài là thành phố Bà Rịa. Hiện nay, trung tâm xứ Mô Xoài phát triển nền kinh tế tổng hợp trong đó phát triển mạnh nhất là ngành dịch vụ. Nông nghiệp, nghề làm muối không còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt cư dân (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

26

chuyên nghiệp khai thác thủy-hải sản không còn tồn tại ở thành phố Bà Rịa. Đây là sự biến đổi to lớn trong đời sống kinh tế của Mô Xoài xưa đến thành phố Bà Rịa hôm nay.

Đường thủy qua Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn là con đường huyết mạch. Trong tương lai, người ta sẽ xây dựng các cảng nước sâu ở huyện Tân Thành để đón luồng giao thương quốc tế trở lại.

Điều đáng chú ý là tỉnh lỵ của Bà Rịa-Vũng Tàu đã được đặt trở lại ở thành phố Bà Rịa tức trung tâm xứ Mô Xoài. Trước kia, tỉnh lỵ của Bà Rịa-Vũng Tàu đặt tại thành phố Vũng Tàu, nhưng đến tháng 04/2012 đã chuyển về thị xã Bà Rịa, đến ngày 02/09/2012 thị xã Bà Rịa được nâng cấp lên thành phố. Đây sự kiện quan trọng khi có sự nhận thức lại vai trò, vị trí của trung tâm Mô Xoài trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như vùng Đông Nam Bộ.

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xứ Mô Xoài diễn trình lịch sử, đời sống xã hội và văn hóa (Trang 26 - 31)