II- CÁC HẠN CHẾ, YẾU KÉM, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
3. Bài học kinh nghiệm
Một là, bảo đảm chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hoà bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước.
Hai là, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, tăng trưởng và kiên trì ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế... Phải kịp thời đổi mới tư duy và hành động, thực hiện tốt công tác dự báo, bảo đảm đánh giá đúng, đầy đủ, kịp thời, chủ động thích ứng với những biến động khó lường của thế giới; phát huy tối đa và kết hợp chặt chẽ các nguồn lực, trong đó nội lực là quyết định.
Ba là, thể chế pháp luật được xây dựng đầy đủ, đồng bộ với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; cải cách bộ máy chính quyền các cấp, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động là nền tảng. Coi trọng tính cân đối, hiệu quả trong tất cả các khâu huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Phải coi trọng đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội.
Bốn là, lấy con người là trung tâm phát triển và chia sẻ những thành quả đạt được của quá trình phát triển kinh tế. Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và sức mạnh của nhân dân. Thực tế qua thời gian chống đại dịch Covid-19, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hoá dân tộc.
Năm là, xác định giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu trong phát triển đất nước để bắt kịp sự phát triển của khu vực và thế giới, tránh nguy cơ tụt hậu.