V. Bồ tát thừa
4. Niệm lần tràng
Lúc niệm Phật, thường khi hay lần một chuỗi tràng, cho nên gọi là niệm lần tràng. Lần tràng hạt là một pháp môn do Phật dạy để giúp chúng ta niệm được dễ dàng và chóng đến mức thuần thục
nhất tâm bất loạn.
Tràng hạt có nhiều thứ: bằng sắt, bằng đồng, bằng gỗ, bằng hạt sen, hạt bồ đề, bằng thủy tinh, ngọc, kim cương...
Theo kinh sách thì mỗi thức có công hiệu nhiều, ít khác nhau nhưng tràng bằng hạt bồ đề và kim cương là hơn cả.
Tràng hạt có hạng dài, hạng ngắn; dùng hạng nào cũng được. Có tràng một ngàn tám mươi hạt (1.080) có tràng một trăm tám hạt (108), năm mươi bốn hạt (54), bốn mươi hai hạt (42), hai mươi bảy hạt (27), hai mươi mốt hạt (21), mười bốn hạt (14).
(Xin xem: “Kinh lần tràng” dịch giả Thích Tâm Châu)
Ngoài ra còn có thứ tràng mười tám (18) và ba mươi sáu (36) hạt, dùng trong phái Thiền Tôn và Niệm Phật Tôn.
Mỗi hạt hàm một ý nghĩa riêng của Phật giáo. Hoặc nó tượng trưng cho những phiền não (tham, sân, si...) mà chúng ta phải trừ diệt, hoặc tượng trưng cho chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh...Nó cũng tượng trưng cho những đức tánh mà Phật tử muốn
đạt được, hay những đức tánh mà người tu hành phải nương tựa vào để tinh tiến đi đến Phật quả (đức Từ bi, Hỷ, Xả, Tinh tấn...)
Hạt ở chính giữa tiêu biểu đức Phật A Di Đà. Như vậy mỗi khi lần một hạt tràng có ý nghĩa thâm sâu là thân, miệng và ý của ta đang làm một điều lành; hoặc dứt bỏ những phiền não, tham, giận, si mê...nó trói buộc ta; hoặc nắm giữ lấy những đức tánh giải thoát của chư Phật, Bồ Tát và Thánh hiền.
Trước khi lần tràng và niệm Phật, người Phật tử phải làm cho thân thể, tay, chân, miệng, lưỡi, tâm trí đều sạch sẽ và yên lặng. Rồi tay cầm tràng để trước ngực ngang trái tim. Chuỗi tràng để trên ngón tay giữa, đầu ngón tay cái và đầu ngón tay chỏ cầm vào hạt tràng (hạt tràng ở đầu, áp với hạt giữa). Mỗi niệm lần một hạt.
Khi lần đến hạt giáp hạt giữa thì lần trở lại: đừng lần qua hạt giữa mà phạm tội “Việt Pháp” (Việt: vượt qua, Pháp tức là Phật, tức A Di Đà).
Chúng ta cần nhớ lại là khi lần tràng niệm Phật phải chí thành, tâm không được tán loạn, dính líu vào cảnh khác, chỉ tưởng nghĩ đến Phật mà thôi.
Niệm xong người Phật tử bao giờ cũng phải nghĩ đến việc cứu giúp, giác ngộ người khác nên kết thúc bằng bốn câu hồi hướng:
“Nguyện đem công đức này Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.”