Thành tựu về kinh tế của Việt Nam sau khi gia nhập ASEAN

Một phần của tài liệu Tổng quan kinh tế việt nam (Trang 34 - 36)

Sau 26 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt. Nếu như năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 289 USD thì đến năm 2020 con số này đã là 3.520 USD, tăng hơn 12 lần so với năm 1995. Quy mô nền kinh tế tăng gần 17 lần từ 20,8 tỷ USD vào năm 1995 lên khoảng 343 tỷ USD vào năm 2020, đứng thứ tư trong khu vực ASEAN (chỉ sau In-đô-nê-xia, Thái Lan và Phi-líp- pin).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ 5,2 tỷ USD vào năm 1995 lên 283 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào các tổ chức trong khu vực và trên thế giới, nguồn vốn nước ngoài đầu tư (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm, đạt 29 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2020, với việc Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ta đã cùng các nước thành viên phát huy đúng tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” với hàng trăm cuộc họp được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến nhằm tạo điều kiện củng cố chuỗi cung ứng khu vực, khắc phục hậu quả tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế tiêu biểu như: Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN, Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong việc dung hòa các quan điểm trong đàm phán Hiệp định RCEP nhằm xử lý các vấn đề vướng mắc, từ đó thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết thành công Hiệp định RCEP trong năm 2020. Thành tựu này đã một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế đa phương, khu vực và thế giới.

Theo WB, GDP của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,8%, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới.Từ chỗ là một trong những quốc

gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp, với GDP đầu người đạt khoảng 2.800 USD năm 2019, hơn 45 triệu người thoát nghèo; là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực. Tính theo quy mô tổng sản phẩm quốc nội, Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 46 trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam hiện nay ước đạt hơn 340 tỷ USD, vượt Singapore, Malaysia, đứng thứ tư trong khu vực.

Theo dự báo Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC), mặc dù chịu ảnh hưởng tác động của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất đạt được mức tăng trưởng tích cực vào năm 2020 và phục hồi với tốc độ tăng trưởng 8,1% vào năm 2021 - mức cao nhất ở châu Á. Còn theo báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 của Công ty DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York (Mỹ), Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực trong thương mại hàng hóa, đứng thứ năm về dòng chảy thương mại toàn cầu.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, trong số 140 quốc gia được xếp hạng năm 2018, Việt Nam là quốc gia có mức độ cạnh tranh cao nhất trên thế giới. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở thuộc loại cao trên thế giới (chiếm khoảng 200% GDP). Đặc biệt, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế có khả năng cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn. Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế nổi bật nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo nhà kinh tế Nhật Bản Hamada Kazuyuki, Việt Nam có khả năng trở thành một cường quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.Hiện Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vị trí của các nước nghèo nhất trong khu vực, đây là điều cần phải suy nghĩ: “Chúng ta đang băn khoăn vì vẫn là 1 trong 4 nước nghèo nhất ASEAN. Chúng ta rút ra khỏi nhóm 4 nước nghèo - vẫn thường gọi là CLMV(Việt Nam – Lào – Campuchia- Myanmar) được thì sẽ nâng được tầm của Việt Nam lên. Đến bây giờ chúng ta vẫn chưa qua được điều đó. Điều này đặt ra dấu hỏi rất lớn là tất cả mọi người Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi cảnh là 1 trong những nước nghèo nhất trong ASEAN”. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay vẫn thuộc loại trung bình thấp so với các nước trong khu vực, chỉ cao hơn các quốc gia khác như Timor Leste, Campuchia và Myanmar. So với các nước ASEAN-6, mức thu nhập này có khoảng cách khá xa, chỉ bằng 4,5% của Singapore, 8,4% của Brunei, 23% của Malaysia, 34,2% của Thái Lan, 65% của Indonesia, 79,2% của Philippines.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang có những biểu hiện “chậm chân” so với các nước trong khu vực. Các chuyên gia cũng chỉ ra những hạn chế trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn trong mô hình tăng trưởng cũ và có thể nói là đã tới hạn, dựa quá nhiều vào vốn, lao động giá rẻ, tài nguyên trong nước, do đó chất lượng hàng hóa thấp, mẫu mã chưa đa dạng, giá thành lại cao. Các doanh nghiệp lớn có sức mạnh hơn nhưng vẫn chưa phải là thật tốt, còn dựa vào nhiều yếu tố không mang tính cạnh tranh như cơ chế xin – cho, lợi dụng sự ưu đãi nhất định từ những mối quan hệ nào đó. Khó khăn hơn cả là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ khả năng về vốn, công nghệ, nhân lực, quản lý…

Bối cảnh hội nhập mới đòi hỏi một sự thay đổi kịp thời về cơ chế, chính sách, tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nền kinh tế Việt Nam dần tiệm cận với các nước hàng đầu trong khu vực.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước ASEAN. So sánh năng suất lao động của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn từ hai lần so với Phi-li-pin đến 14 lần so với Xin-ga-po. Nguyên nhân chủ yếu đó là các ngành kinh tế của nước ta về cơ bản ít sử dụng tri thức, khoa học - công nghệ, lao động có kỹ năng, các ngành nghề dựa vào các ngành thâm dụng vốn. Lao động tập trung nhiều ở các khu vực nông, lâm, thủy sản và lao động chưa qua đào tạo còn lớn. Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam đến nay chủ yếu là sự chuyển dịch cơ cấu từ ngành có năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao hơn. Còn năng suất nội bộ ngành có cải thiện nhưng rất chậm.

Với thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam có nhiều điều kiện để có thể tiếp cận công nghệ kỹ thuật số, nền kinh tế số. Nó cho phép Việt Nam có các nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh, chuỗi cung ứng thông minh đáp ứng nhu cầu của khách hàng linh hoạt và hiệu quả hơn.Nhiều mặt hàng sản xuất xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng trong nước thấp, trong đó chủ yếu thực hiện chức năng lắp ráp. Sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu chính (GVC) còn hạn chế, thay vào đó, hoạt động xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam vẫn còn hiện hữu nếu Việt Nam không kịp thời đổi mới về cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Tổng quan kinh tế việt nam (Trang 34 - 36)