Tông này lấy Trung luận và Thập nhị môn luận của Bồ-tát Long Thụ và bộ Bách luận của Đề-bà làm căn bản, nên mới gọi là Tam luận.
Tam luận tông cho rằng hết thảy vạn hữu trong hiện tượng giới đều sanh diệt vô thường. Đã sanh diệt vô thường là không có tự tính, chỉ bởi nhân duyên làm mê hoặc mà biến hóa ra vạn hữu.
Kẻ phàm tục vì vọng kiến cho nên mới chấp lấy cái có tạm bợ ấy. Bậc chân trí thì không nhận cái tạm có mà thấy rằng hết thảy đều là không.
Các pháp tuy là hiện hữu nhưng không phải là thường có. Có mà không phải là thường có tức là chỉ tạm có. Tạm có nên tuy là có mà không phải là có. Có mà không phải là thật có thì cũng chẳng khác gì không. Vậy nên các pháp tuy là đều có, nhưng thật tướng là không.
Lý thể của chân như tuy là không tịch, bất sanh bất diệt, nhưng bởi nó sanh ra các pháp, cho nên nó là nguồn gốc của cái tạm có. Đã là nguồn gốc, thì lý thể của chân như là không. Như thế, chân như là không mà không phải thật là không, cho nên đối với có không khác gì. Vì thế chân như tuy là không tịch mà rõ ràng là có. Có và không, không và có, thật chẳng khác nhau. Có là có do nơi không; không là không do nơi có. Có và không hai bên toàn nhiên hòa hợp với nhau. Thấy rõ chỗ ấy là Trung đạo, là không vướng mắc vào cả có lẫn không.
Vì sự nhận thức của ta sai lầm, mà thành ra có không và có. Vượt lên trên sự nhận thức thì mới đạt được cái thực tại bất khả tư nghị. Sự nhận thức của ta chỉ nhận thức được trong phạm vi hiện tượng mà thôi, không thể nhận thức được thực tại. Muốn đạt tới thực tại thì phải nhờ đến trực giác mới được.
Tam luận tông lấy kinh Bát-nhã làm gốc, cho nên còn gọi là Bát-nhã tông, khi đối với Pháp tướng tông thì gọi là Tánh tông hay là Không tông.