Kính thưa Quốc hội,
Tôi tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri cũng như sự minh bạch trong quá trình quản lý, sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, cơ quan nhà nước theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đây tôi xin có 3 ý kiến góp ý.
Thứ nhất, về thẩm quyền thu hồi đất tại Điều 61, tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến phát biểu của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp - Thành phố Cần Thơ. Tôi nhận thấy rằng với quy định tại Điều 61 giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong 2 trường hợp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trong 3 trường hợp thu hồi đất và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện không được ủy quyền. Theo tôi giao như vậy là không phù hợp
mà nên giao cho Ủy ban nhân dân là đúng với tính chất nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu.
Liên quan đến vấn đề đó tôi đề nghị bỏ Khoản 3, Khoản 5, Điều 92 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được ủy quyền cho cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh. Vì thực tế thời gian qua Ủy ban nhân dân với tính chất là cơ quan quản lý nhà nước chung nên nay giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân là để nâng cao trách nhiệm trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp, không nên tiếp tục ủy quyền cho cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường.
Vấn đề thứ hai, về đấu giá quyền sử dụng đất đề nghị sửa Khoản 2, Điều 102 như sau. Việc đấu giá quyền sử dụng đất phải thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, theo đó đề nghị bỏ quy định tại Khoản 2, Điều 104 về quy định như trên sẽ tạo ra sự tùy tiện trong việc thành lập các tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất không đúng theo định hướng chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành về bán đấu giá tài sản bởi lẽ tổ chức nào đáp ứng điều kiện gì thì được bán đấu giá phải do pháp luật về bán đấu giá tài sản quy định.
Vấn đề thứ ba, về công chứng, chứng thực hợp đồng văn bản về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 151, tôi hoàn toàn đồng ý với đại biểu Đỗ Văn Vẻ ở Thái Bình, đại biểu Nông Thị Bích Liên ở Hà Giang đã phát biểu trước tôi, đề nghị quy định này cần được sửa lại theo hướng quy định một số loại hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất như hợp đồng thế chấp, góp vốn chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất bắt buộc phải được công chứng vì đây là các hợp đồng giao dịch liên quan đến chuyển dịch quyền, tài sản đối với đất đai, là loại tài sản đặc biệt có giá trị lớn dễ phát sinh tranh chấp và cần được công chứng để đảm bảo an toàn pháp lý và hoàn toàn phù hợp với Luật nhà ở, Luật giao dịch đảm bảo.
Còn đối với các loại hợp đồng tiềm ẩn ít rủi ro hơn như đối với các bên tham gia giao dịch như hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì có thể quy định theo hướng sẽ được thực hiện công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên tham gia. Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi, tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.