Venezuela: Ván cờ bại của Trung Quốc?

Một phần của tài liệu BCA030+(2) (Trang 31 - 32)

TTXVN (Courrier International, South China Morning Post) - Không phải ván cờ nào Trung Quốc cũng đều ghi điểm. Tại Mỹ Latinh, Bắc Kinh giờ đang “vò đầu, bứt tóc” với người bạn đồng minh vướng víu Maduro. Trong loạt bài viết về Venezuela mà tuần báo Courrier International lược dịch lại từ các báo nước ngoài, đáng chú ý nhất là bài viết trên tờ South China Morning Post với tựa đề “Bắc Kinh đặt cược nhầm vào con ngựa tồi”. Một cuộc cược tồi trên cả hai phương diện: kinh tế và chính trị.

Ngựa tồi là vì từ lâu, bất chấp việc Trung Quốc liên tục bơm dưỡng khí, 62 tỷ USD trong vòng 10 năm (2007-2017), chiếm đến 53% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc trong toàn khu vực Mỹ Latinh, nhưng “đối tác phát triển chiến lược” (2001), rồi “đối tác chiến lược toàn diện” (2014) Venezuela này vẫn không tài nào vực dậy được nền kinh tế đất nước.

Tiền đổ vào nhiều nhưng thu lợi chẳng được bao nhiêu. Rất nhiều dự án trong tổng số 790 chương trình đầu tư đã gặp thất bại. Caracas vật vã hoàn nợ một phần cho Bắc Kinh bất chấp các thỏa thuận cho phép trả nợ bằng dầu.

Cuộc cược tồi vì Bắc Kinh đã kỳ vọng nhiều vào Venezuela khi nghĩ rằng đất nước Nam Mỹ có một vị trí địa lý thuận lợi và mang tư tưởng chống đế quốc Mỹ, và như vậy, Bắc Kinh có thể dùng để làm đối trọng cũng như là mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong vùng sân sau của Mỹ. Chỉ có điều, Trung Quốc đã đặt nhầm cược vào chế độ nổi tiếng tham nhũng và bất tài, khiến hàng triệu người dân phải bỏ xứ ra đi.

Sự ủng hộ đó đang khiến Bắc Kinh trả giá đắt trên bình diện ngoại giao. Hầu hết các nước trong nhóm Lima – 14 nước ở Mỹ Latinh đều nhìn nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời. Trong bối cảnh này, nếu cứ tiếp tục ủng hộ Maduro, Bắc Kinh có nguy cơ mất nhiều hơn là được. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao Trung Quốc có vẻ giữ khoảng cách và cố gắng tỏ ra trung lập.

Cuộc khủng hoảng Venezuela làm lộ rõ những hạn chế về ưu thế và khả năng quản lý các rủi ro chính trị trong các chiến lược đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ Latinh và nhiều nước đang phát triển khác. South China Morning Post cho rằng đây quả là một “cái tát” dành cho Trung Quốc trước những tham vọng mở rộng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Tóm lại, như câu nói của tỷ phú người Mỹ Jean Paul Getty, “nếu bạn nợ 100 USD ở ngân hàng, đó là vấn đề của bạn, nhưng nếu bạn nợ ngân hàng đến 100 triệu USD, thì đó lại là vấn đề của ngân hàng”.

Bài xã luận của Courrier International khẳng định, Venezuela kể từ nay là một “bài toán hóc búa” dành cho Trung Quốc với câu hỏi: Làm thế nào lấy lại 62 tỷ USD?./.

Một phần của tài liệu BCA030+(2) (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(32 trang)
w