III. Hậu bão số
2. Bão vò nát miền Tây Quảng Bình
(Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Online 21/9, Minh Quê)
Vùng biên giới Việt-Lào tuy xưa nay ít bão nhưng cơn bão số 10 quá mạnh đã làm hàng loạt xã biên giới tan hoang.
Con đường đến với đồng bào A Rem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bị cây ngã đổ như rừng rậm. Người dân địa phương phải tự chặt cây mở lối để thông tuyến sơ bộ nhằm tiếp cận miền xuôi.
Chị Đinh Thị Hường cùng hai con trong căn nhà vừa dựng lại.
Gặp Đinh Khinh giữa đường 20, xã Tân Trạch, anh nói rất tủi: “Ở giữa rừng cả đời không có bão, năm nay bị nó dập ai cũng sợ nhà sập, nhà sập thì chết người chứ không đùa. Mấy trăm người quá sợ bão. May có trạm y tế kiên cố cùng trường học mà trốn bão”. Bão đập gãy cây rừng đổ rào rào, gió xoáy hất nát 25 mái nhà, các tấm tôn bay lượn như lưỡi gươm khổng lồ khiến người già cũng phát hoảng. Ông Đinh Rầu gần 80 tuổi kể: “Chưa thấy trận bão nào như thế này, tôn bay loáng giữa trời chém vào cây cối. Con nít khóc. Đàn bà cũng khóc. Đàn ông thì sợ không dám nói”.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ cho hay: “Chưa bao giờ vùng này có cơn bão nào mạnh như thế, cây rừng đổ rầm rầm, gió thổi như thả bom, dân bản A Rem vốn nhút nhát thì nay họ sợ hung lắm. Có hai người già nói bão kiểu này chắc phải rời bản vào hang đá mà ở chứ tốc mái hết sạch, nhà cửa tan nát”. Qua tìm hiểu, người muốn rời bản vào hang là ông Đinh A Lầu có 11 đứa con và Đinh Đầu có năm đứa con. Sau bão, xã phải động viên mãi hai hộ này mới dám tự tin ở lại bản. Ông Sỹ thông báo thêm sợ bão quá, xã đã di dân vào trạm y tế trú bão nhưng ông bà Đinh Nê và Y Rú thì chạy khỏi bản xuống hang đá cách hai giờ đi bộ để trốn. Ông bà ấy trốn sâu trong rừng, dân bản đi tìm mấy ngày trời mới thấy họ an toàn trong hang động và gọi về.
Đường lên xã rẻo cao Trọng Hóa, vào bất cứ bản nào, dấu bão vẫn hằn lên những vạt rừng gãy đổ chỏng chơ, những khuôn mặt người dân vẫn hằn sâu nỗi sợ trận cuồng phong hôm bão vào.
Tìm vào nhà anh Hồ Bâu ở bản Kinh, thấy mọi thứ đã tan tác không còn manh chiếu. Nhà Bâu cũng đang phấn đấu thoát nghèo nhờ sức trẻ nhưng bão đã quét sạch gia tài là căn nhà sàn nhỏ bé nơi từng đầy ắp tiếng nói của vợ chồng Bâu cùng con cái. Bâu nói: “Cái ăn trước mắt được dân bản cưu mang, sau đó gạo Nhà nước đưa vào cứu trợ, lâu dài thì phải dựng lại mái nhà làm lại từ đầu. Biết rất khó khăn nhưng không làm lại từ đầu vợ con khổ cực thôi”.
Sâu trong bản K Rét, vợ chồng anh Hồ Ka còn lượm lại cái cối giã gạo nguyên vẹn vì nó quá nặng bão chỉ thổi lăn chứ không thổi bay như căn nhà sàn. Nhà cửa chỉ còn mấy bộ quần áo cùng cái cối, vợ chồng Ka phải xin từng bữa ăn nhà hàng xóm, bà con đồng bào cưu mang nhau tại chỗ, chia sẻ nơi nằm tại chỗ, bớt đi phần ăn tại chỗ để cùng nhau vượt qua hoạn nạn sau trận tàn phá quá sức tưởng tượng của cơn bão số 10.
Huyện miền núi Minh Hóa vốn huyện nghèo, mấy năm nay phấn đấu từng bước nâng mức đời sống người dân lên. Tuy nhiên, bão vào, bao nhiêu mảnh làng liêu xiêu sát đất. Nhiều hộ nghèo càng nghèo thêm, nhiều hộ vừa thoát nghèo đã bị bão đưa về lại vị trí hộ nghèo.
Xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch thiệt hại rất nặng, hai căn nhà sập hoàn toàn không thể ở, 25 căn nhà bị tốc mái, nhiều hộ dân không có tấm lợp phải che bạt để tránh nắng nhưng không thể tránh mưa. 35 ha lúa rẫy còn năm ngày thu hoạch liền bị bão đập rụng hết, không thể tuốt.
Bà Đinh Thị Luận (Tân Lợi, Yên Hóa) cho hay nhà bà có năm nhân khẩu, phấn đấu làm lụng được căn nhà gỗ chắc chắn, nhà vững 30 năm, mưa bão không sập, vậy mà trận bão này nhấc cả căn nhà thổi đi mỗi nơi một mảnh. Không thể thoát nghèo. Thôn Tân Tiến cùng xã, nhà của anh Cao Bình Luận (SN 1988) hai gian gỗ, lúc bão đập về, nhà sập Luận chỉ còn cách bế con cùng vợ đang mang thai chạy sang nhà bà con cạnh đó mấy chục mét trú thân. Năm năm trước Luận vay 60 triệu đồng để làm nhà, phấn đấu năm nay thoát nghèo nhưng ước mơ đó không thành hiện thực, bão đã níu sát đất cảnh nghèo của vợ chồng Luận. Ông Đinh Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hóa, nói như mếu: “Toàn xã có 11 nhà dân bị sập hoàn toàn, 233 nhà bị hư hỏng nặng và 763 nhà bị tốc mái”.
Vào xã Hồng Hóa, cảnh sập nhà cũng tan nát cõi lòng với 10 trường hợp, Đinh Thị Hường (28 tuổi) ở thôn Tiến Hóa 1, không chồng, có hai đứa con kể: “Nhà em bị bão cuốn bay sạch, cái khung nhà bị lật chỏng lên giữa rừng”. Trong khi đó ở thôn Trấu, nhà chị Đinh Thị Bích Thúy (37 tuổi) đang vật lộn với đống đổ nát nói: “Chồng em bị ung thư gan, chỉ còn sức kiệt ngồi một chỗ phải ráng sửa mấy dây điện, mong có điện mà thắp sáng. Bão vào phá nát nhà, bà con mới dựng lại tạm cái lều chui vô chui ra, chừ không biết tiền đâu để làm lại nhà”. Minh Hóa, đi đâu cũng thấy cảnh tan hoang sau bão. Người dân đa phần hộ nghèo. Siêu bão dập nát những căn nhà nhỏ bé khiến bao phận đời vốn khó khăn càng thêm bấn loạn. Toàn huyện miền núi này đang gồng mình hết sức vượt qua bất trắc thiên tai, cán bộ về giúp dân, dân nghèo cố giúp nhau, cưu mang nhau để vơi bớt buồn đau mất mát.
Đồng bào làm nhà sàn, không chắc chắn như dưới xuôi, nhiều hộ nghèo còn làm nhà tạm bợ, bão cuốn bay sạch. Hiện xã có 27 căn nhà của người Khùa, Mày, Sách bị xóa sổ, không biết lấy kinh phí ở đâu để giúp đỡ bà con, ông Hồ Phin, Chủ tịch xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa nói. Về đầu trang
http://plo.vn/xa-hoi/bao-vo-nat-mien-tay-quang-binh-728233.html
3. “Trường chúng em bay mái, sắpsập mất thôi!” sập mất thôi!”
(Dân Trí 21/9, Đặng Tài)
Bão số 10 đã khiến hàng trăm ngôi trường tại Quảng Bình bị tốc mái, nhiều phòng học hiện đang bị nứt nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập. Trước tình trạng này, khiến giáo viên
và học sinh hết sức lo lắng bởi mất an toàn cũng như ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Với những nỗ lực khắc phục hậu quả do bão gây ra, công tác giảng dạy tại Quảng Bình đã được bắt đầu trở lại. Tuy nhiên cơn bão vừa qua đã làm nhiều phòng học tại địa phương này bị hư hỏng nghiêm trọng và đang có nguy cơ đổ sập, gây mất an toàn cho giáo viên và học sinh.
Tại Trường THCS Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, nơi tâm bão đi qua đã phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề, trong đó có dãy phòng học thực hành của các em học sinh bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng nặng nên khó có thể khắc phục. “Là học sinh lớp 9 nên việc học thực hành của chúng em rất quan trọng, nhờ có thực hành chúng em mới được trải nghiệm thực tế, dễ tiếp thu kiến thức hơn. Giờ cả dãy phòng học bị bão làm bay hết ngói, mấy bức tường nứt nẻ, sắp sập đến nơi rồi chẳng có chỗ mà học nữa”, em Đàm Hoài Nhi, học sinh Trường THCS Quảng Châu buồn bã.
Không chỉ Hoài Nhi mà rất nhiều học sinh tại Trường THCS Quảng Châu đã không thể dấu được nỗi buồn khi chứng kiến ngôi trường thân yêu của mình bị bão tàn phá. Các em giờ chỉ biết cùng thầy cô gom nhặt lại những thiết bị thực hành. Phơi lại những cuốn sách, tài liệu ượt nhẹp sau trận bão để tận dụng cho những buổi học đầy khó khăn sắp tới.
“Sau bão đến trường nhìn mấy phòng học tan hoang hết buồn lắm chú ạ. Dãy phòng thực hành giờ chẳng còn gì, sắp sập đến nơi rồi không học được nữa. Chúng em chỉ mong sao nhà trường sớm xây lại được các phòng thực hành để không chỉ chúng em mà các bạn khóa sau được học tập tốt hơn”, em Đàm Nữ Thanh Hà, học sinh lớp 9 Trường THCS Quảng Châu tâm sự.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, thầy Trương Quang Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Châu cho biết, dãy phòng học này được xây từ năm 1995, nay đã xuống cấp, vừa qua lại bị bão tàn phá nên giờ đang ở trong tình trạng không thể sửa chữa. Nhiều thiết bị giảng dạy như máy tính, máy chiếu trong dãy phòng học này cũng đã bị hư hỏng. Thiệt hại ước tính của ngôi trường này lên đến hơn 1 tỷ đồng.
“Dãy phòng học này từ lâu đã xuống cấp, bão số 10 vào nữa là không trụ nổi. Là dãy phòng thực hành những giờ hư hỏng quá nặng và mất an toàn nên hiện nay học sinh chỉ có thể học thực hành tạm trên lớp mà thôi. Kinh phí nhà trường không có nên rất khó để xây lại. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giảng dạy”, thầy Hà băn khoăn.
Cũng như Trường THCS Quảng Châu, bão số 10 cũng đã khiến Trường tiểu học số 1 Ba Đồn rơi vào tình cảnh không dùng thì thiếu phòng, dùng thì sợ đổ sập.
Thầy giáo Đoàn Văn Nam, hiệu trưởng ngôi trường này cho biết, trường được tài trợ xây dựng từ năm 1976, nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có điều kiện xây dựng lại. Hiện tại để đảm bảo an toàn cho học sinh, Trường tiểu học số 1 Ba Đồn đã xin đóng cửa 8 phòng học bị bão làm hư hỏng và đang có nguy cơ đổ sập.
Sau bão số 10, nhiều phòng học được xây dựng từ nhiều năm trước của các trường tại Quảng Bình đang trở nên mất an toàn. Trường Tiểu học số 1 Quảng Phú, huyện Quảng Trạch cũng có dãy nhà cấp bốn với 4 phòng học được xây dựng cách đây hơn 40 năm, đến nay đã quá cũ nát.
Sau cơn bão số 10, hiện những phòng học cấp 4 nói trên có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vì không thể tiếp tục học tập trong những phòng học mất an toàn, ngôi trường này đang phải dùng phòng y tế và phòng họp của giáo viên để thực hiện công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, dãy nhà nội trú giáo viên của ngôi trường này cũng đã bị đổ sập không thể tiếp tục sử dụng khiến nhiều giáo viên không có chỗ ở.
“Dãy phòng cấp 4 này trước là phòng học của các học sinh khối 4, nhưng giờ một phòng đã sập, các phòng còn lại bị nứt rất nhiều nếu học sẽ gây nguy hiểm. Chúng tôi đang phải ghép lớp và sử dụng các phòng chức năng để cho học sinh học tạm, còn về lâu dài cũng chưa có phương án vì không có kinh phí xây dựng”, cô Hương cho hay.
Việc ghép lớp học hay sử dụng phòng y tế, phòng giáo viên để giảng dạy chỉ là giải pháp tạm thời của các trường học chịu ảnh hưởng từ bão số 10 tại Quảng Bình. Về lâu dài, để đảm bảo chất lượng giáo dục, những ngôi trường này rất cần được đầu tư để sửa chữa, xây dựng lại những phòng học hư hỏng. Đảm bảo an toàn cho các giáo viên và học sinh yên tâm công tác dạy học. Về đầu trang
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-chung-em-bay-mai-sap-sap- mat-thoi-2017092016331023.htm