Ngày 1 tháng 11 năm 2009, tôi bắt đầu đến làm việc tại Ngôi nhà Bình yên. Ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là một ngôi nhà xinh xắn, nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ẩn mình dưới không gian tĩnh lặng. Dường như cái ồn ào, xô bồ của phố thị ngoài kia không liên quan gì đến ngôi nhà.
Bàn làm việc của tôi ngay sát cửa sổ tầng 2. Chỗ này mỗi khi hoàng hôn xuống, nắng xiên khoai le lói rọi vào, nhưng tôi vẫn thích ngồi đó hơn bất cứ vị trí nào khác trong phòng, chỉ bởi một lẽ duy nhất – ngay sát cửa sổ, bên góc sân nhà hàng xóm, có một cây ngọc lan cao vút. Chẳng biết cây ngọc lan được trồng từ bao giờ, nhưng nó đã cao bằng tầng 4 của Ngôi nhà Bình yên, xoè bóng mát phủ kín cả một khoảng sân rộng. Những bông hoa trắng tinh khiết, ngạt ngào mùi hương quyến rũ, ùa vào phòng mỗi sáng, Lũ chim sẻ, có lẽ là bạn thân thiết của cây ngọc lan từ lâu, chốc chốc lại nghiêng mình chao liệng, ríu rít đuổi nhau trên những tán cây, càng tô thêm vẻ thanh bình của ngôi nhà và gợi nhớ về một miền quê trong ký ức...
Ngôi nhà Bình yên khi đó có khoảng chục người đang tạm trú. Nhìn vẻ bình thản, vô tư của các em, không khí ấm cúng của ngôi nhà, tôi chợt hiểu, các nhân viên xã hội, quản gia và bảo vệ - những người làm công việc thầm lặng tại nơi đây, đã giúp các em vượt qua những mặc cảm, định kiến của người đời để tìm lại chính mình. Tôi cũng thầm cảm phục những người đi trước, đã dồn bao tâm huyết, đương đầu với thách thức, tạo dựng ngôi nhà đểđến hôm nay, Ngôi nhà Bình yên nhưđã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến và khó có thể tìm ra cái tên nào ý nghĩa hơn thế, thân thương hơn thế.
Khoảng hai phần ba số người đã từng tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên thuộc độ tuổi từ 22 trở xuống, có em còn chưa cập tuổi trăng tròn. Người được gọi là “già” nhất cũng chỉ mới 33 tuổi. Đằng sau mỗi số phận đều ẩn chứa những câu chuyện buồn, khiến ai đã một lần được nghe đều không khỏi động lòng trắc ẩn. Tôi không thể ghi lại chuyện
của tất cả mọi người vì khuôn khổ cuốn sách không cho phép, tôi chỉ ghi lại đây cảm xúc của mình về một vài em gái nhỏ, đã từng là nạn nhân trong chính ngôi nhà của mình, trong những gia đình có hoàn cảnh éo le, chứa chất đầy mâu thuẫn và bạo lực, thậm chí bi kịch, trước khi các em trở thành nạn nhân của nạn buôn người, hay nói cách khác, đó là những em gái bất hạnh mà cuộc đời đã hai lần trở thành “nạn nhân”.
Hai số phận có những nét rất tương đồng, cùng đến Ngôi nhà Bình yên một ngày là Dương và Thu - hai em gái xinh xắn, đang ởđộ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” (hai em là tác giả của truyện “‘Góc khuất đường biên”’ và “‘Đường về nhà”). Cả hai tình cờ kết bạn tâm giao khi bịđẩy ra khỏi mái ấm gia đình.
Bố của Dương là một người đàn ông nát rượu, ròng rã mười năm trời đánh đập mẹ em, bán sạch những gì có thể bán trong nhà để nhậu nhẹt. Cực chẳng đã, người mẹ phải ly hôn, mang con về nhờ ông bà ngoại cưu mang. Vì còn trẻ nên một năm sau, mẹ Dương đi bước nữa. Những tưởng mẹ tìm được hạnh phúc mới để chị em Dương có chỗ nương nhờ. Nào ngờ, người bố dượng cũng là kẻ nghiện rượu, luôn chửi rủa, lăng mạ, xúc phạm vì Dương không phải là con đẻ của ông ta. Mẹ thì phụ thuộc vào bố dượng, không bảo vệđược con gái mình. Chán nản và bịức chế, không người chia sẻ, cảm giác cô đơn tràn ngập tâm hồn cô bé, Dương học hành sa sút và kết cục là bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, đắm mình vào thế giới ảo của những trò chơi điện tử. Bị bố dượng lôi vềđánh đập, Dương bán chiếc xe đạp vẫn dùng đi học để lấy tiền ăn và vào quán net chơi tiếp. Đúng lúc hết tiền, em chẳng biết đi đâu vềđâu thì gặp Thu. Thu có người bố cũng tương tự như Dương, không lo làm ăn chỉ suốt ngày rượu chè, cờ bạc và đánh vợ, đến nỗi mẹ Thu phải bỏ nhà, bỏ cả hai đứa con thơ dại mà ra đi.