Như chúng ta đã biết, dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam vào đầu tháng 2/2019. Bệnh dịch này rất nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi lợn của nước ta nói chung và đàn lợn trong trang trại nói riêng. ASF không gây bệnh cho người, nhưng lại gây bệnh cho lợn, virus này tác động đến sức khoẻ của con lợn, tỷ lệ chết có thể lên tới 100%.
Bệnh này đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và phương pháp điều trị. Bệnh do virus Asfarviridae gây ra, là virus có cấu trúc phức tạp, có vỏ bọc, chúng tấn công vào các tế bào đích và kháng thể trung hoà không có ý nghĩa trong việc bảo hộ.
Virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết, tinh dịch, phân, nước tiểu từ xác lợn chết và lợn nhiễm ASF.
Những con lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời, nên chúng là những vật chủ mang mầm bệnh ASF.
Bệnh có thể lây trực tiếp qua việc tiếp xúc với lợn rừng và lợn nhà bị nhiễm ASF, và lây lan qua: quần áo, dụng cụ, xe vận chuyển, thức ăn,... bị vấy nhiễm mầm bệnh.
Ruỗi, muỗi, chuột, các loại côn trùng,… cũng đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh theo đường cơ học.
Loại virus này có khả năng chịu được nhiệt độ cao, có thể sống sót trong: - 3h ở nhiệt độ 50oC
- 30 phút ở nhiệt độ 70oC
ASF mẫn cảm với các loại thuốc sát trùng thông thường, ví dụ thuốc sát trùng có thể tiêu diệt được virus ASF: Omnicide, Aldekol, Virkol S,…
Virus ASF có sức đề kháng cao với điều kiện ngoại cảnh, đặc biệt là nhiệt độ và độ pH. Trong môi trường không có máu, virus có thể bị phá huỷ ở
pH < 3,9 hoặc ở pH > 11,5. Trong môi trường máu, virus có thể tồn tại được ở pH = 13,4 trong 7 ngày.
Trước những tình hình khó khăn và nguy hiểm trên, trang trại kết hợp cùng với công ty CP đánh giá và triển khai phương án “An toàn sinh học” đối với đàn lợn của trại với mục tiêu “Phòng bệnh 70% - sản xuất 30%” nhằm tránh tuyệt đối những rủi ro và thiệt hại khi phải đối mặt với dịch bệnh.
- Tăng cường phun sát trùng bên ngoài và trong phạm vi của trang trại ở tỷ lệ đậm đặc 1:100 hoặc 1:200 với thuốc sát trùng Omnicide hoặc Virkon S.
- Phun hoặc rắc vôi bột ở tất cả các đường đi lối lại trong phạm vi trại với mật độ dày, nơi có xe hay đi lại thì rắc vôi dày khoảng 10cm.
- Hạn chế tối đa người và khách tham quan ra vào trại.
- Tiến hành sát trùng tất cả dụng cụ cá nhân bằng tia UV, xịt cồn 70o tất cả người trước khi vào khu vực chăn nuôi.
- Thực hiện quy trình vệ sinh sát trùng, tắm đối với tất cả người trước và sau khi ra vào khu vực chăn nuôi.
- Thực hiện đúng quy trình vệ sinh sát trùng đối với tất cả các phương tiện vận chuyển ra vào khu vực trại (xe cám, xe thuốc, xe của công nhân viên trang trại,…).
- Kiểm soát chất lượng nước uống cho lợn, đảm bảo cung cấp nước sạch và được xử lý bằng chlorine.
- Thực hiện quy trình xử lý phân, chất thải theo đúng kỹ thuật.
- Kiểm soát vật chủ trung gian truyền bệnh cơ học như ruồi, muỗi, chuột,… theo định kỳ (căng lưới toàn bộ đường đi bên trong khu vực sản xuất nhằm ngăn chặn nguy cơ côn trùng, chuột xâm nhập vào tiếp xúc với lợn, hằng ngày đánh thuốc chuột ở bên ngoài và trong khu sản xuất bằng thuốc RacuminR
- Sử dụng Cyperkiller 25 WP với liều 30g/gói pha 10 lít nước, phun trực tiếp lên bề mặt chuồng trại tỷ lệ 120m2 nhằm kiểm soát ruồi, muỗi, các loại côn trùng.
- Phun sát trùng tất cả các dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi mang từ bên ngoài vào, kể cả thuốc cũng phải được nhúng qua thau nước sát trùng.
- Bên trong chuồng nuôi tăng cường phun sát trùng gầm tỷ lệ 1:400, bề mặt chuồng tỷ lệ 1:3200. Rắc vôi bột ở đầu cửa chuồng.
- Tất cả dụng cụ, trang thiết bị, các loại thực phẩm muốn mang vào trại cần có sự kiểm tra và cho phép của kỹ sư trang trại. Cấm toàn bộ các sản phẩm làm từ lợn mang vào trong trại (giò, xúc xích, bánh mỳ dăm bông,...).
- Nghiêm cấm trong trang trại nuôi giữ các loại thú như chó, mèo, gà,… Nếu nuôi thì phải được nhốt 100% để tránh nguy cơ là vật chủ trung gian truyền bệnh ASF.