Nhiều công trình trong nước đã được công bố về phương pháp AOP để phân hủy màu chất màu dệt nhuộm. Ví dụ, tác giả Vo Thi Thu Như và cộng sự (2016) [4] đã nghiên cứu quá trình phân hùy rhodamine B bằng Ag/TiO2. Trong điều kiện chiếu sáng của ánh sáng khả kiến (visible light). Kết quả chỉ ra rằng chất xúc tác quang Ag nano/TiO2 thể hiện hoạt tính xúc tác quang tốt hơn so với TiO2 trong cùng điều kiện phản ứng. Hoạt tính cao hơn của Ag nano/TiO2 là do sự tăng cường hiệu ứng tách lỗ electron trên bề mặt chất xúc tác. Với hàm lượng pha tạp 1.5% Ag, chất xúc tác quang Ag/TiO2 thể hiện hoạt tính xúc tác quang cao nhất dưới ánh sáng khả kiến [4].
Các tác giả Nguyễn Thị Hạnh và cộng sự (2016) [5] đã điều chế xúc tác quang FeNS-TiO2 để phân hủy chất màu direct Blue 71. Kết quả thu được đã chỉ ra rằng, các giá trị tối ưu của pH, nguồn ánh sáng và lượng chất xúc tác cho sự phân hủy DB71, tương ứng là pH = 4, nguồn sáng khả kiến và 0,5 g/L chất xúc tác. Sau thời gian phản ứng 150 phút ở điều kiện tối ưu, 88.05% DB71 bị phân hủy. Mức độ khoáng hoá DB71 bởi chất xúc tác tổng hợp được, đã được xác định bằng phân tích tổng cacbon hữu cơ (TOC). Kết quả phân tích TOC cho thấy, hầu hết DB71 bị khoáng hóa sau 3 giờ dưới ánh sáng khả kiến. Sự tồn tại và trạng thái liên kết của của các các nguyên tố Fe, N, S trong vật liệu xúc tác FeNS-TiO2 được thể hiện rõ trên phổ quang điện tử tia X.
Theo các tác giả [6], vật liệu α-BiNbO4 được tổng hợp bằng phương pháp nung chảy gel ure ở các điều kiện thí nghiệm như: tỉ lệ mol Bi/Nb/urê = 1/1/6, pH = 1, gel sau khi được sấy ở 120 °C trong 4 giờ và đem nung ở 850 °C trong 2 giờ có kích thước đồng đều < 70 nm. Khả năng quang xúc tác của vật liệu α-BiNbO4 nung ở 850°C trong 2 giờ với dung dịch metyl da cam dưới bức xạ khả kiến cho kết quả tốt với hiệu suất phân hủy methyl orange-MO đạt 99 % sau 2 giờ chiếu sáng. Khả năng tái sử dụng của vật liệu sau 3 lần có hiệu suất phân hủy MO > 97 %.