Vấn đề khiếu nại trong Tố tụng hành chính

Một phần của tài liệu Đặc San Tuyên Truyền Pháp Luật chủ đề LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH (Trang 58 - 59)

- Chuẩn bị phiên toà giám đốc thẩm:

2.17.1. Vấn đề khiếu nại trong Tố tụng hành chính

Điều 249 Luật Tố tụng hành chính quy định: cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong Tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành Tố tụng hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo quy định này thì quyền khiếu nại của các cá nhân, cơ quan, tổ chức là rất rộng, bởi lẽ họ có quyền khiếu nại mọi quyết định, hành vi trong Tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành Tố tụng hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là tiền đề quan trọng cho các chủ thể tham gia Tố tụng hành chính thực hiện quyền khiếu nại để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành Tố tụng hành chính ban hành, nếu có kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong Tố tụng hành chính mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của Luật Tố tụng hành chính.

- Về thời hiệu khiếu nại: Điều 252 Luật Tố tụng hành chính quy định là 15 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

- Về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại được quy định cụ thể tại Điều 250, Điều 251 Luật Tố tụng hành chính. Theo đó người khiếu nại có các quyền: tự mình khiếu nại hoặc khiếu nại thông qua người đại diện; khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án; rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại; được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Người khiếu nại cũng có nghĩa vụ: khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị khiếu nại cơ quyền đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong Tố tụng hành chính bị khiếu nại, đồng thời được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi trong Tố tụng hành chính. Người bị khiếu nại có nghĩa vụ giải trình về quyết định, hành vi trong Tố tụng hành chính bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; bồi thường thiệt hại, hoàn trả hoặc khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trong Tố tụng hành chính trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

- Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng được quy định cụ thể tại Điều 253, Điều 254, Điều 255 Luật Tố tụng hành chính.

Một phần của tài liệu Đặc San Tuyên Truyền Pháp Luật chủ đề LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH (Trang 58 - 59)