Vấn đề cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho những người tham gia tố tụng.

Một phần của tài liệu Đặc San Tuyên Truyền Pháp Luật chủ đề LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH (Trang 30 - 31)

Trên thực tế giải quyết các vụ án nói chung và án hành chính nói riêng tại các Tòa án, có nhiều vụ án phải kéo dài thời gian giải quyết, thậm chí bị huỷ do sự trở ngại, vi phạm trong khâu tống đạt

các văn bản tố tụng 6. Để có thể giải quyết được vụ án cũng như tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, Luật Tố tụng hành chính quy định Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho những người tham gia tố tụng (Điều 92). Người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cũng được quy định cụ thể gồm: người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng làm việc khi Toà án hoặc Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu; đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong những trường hợp do Luật này quy định; nhân viên bưu điện…

Luật Tố tụng hành chính đã dành 11 điều luật để quy định về việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trong chương VII. Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo gồm: bản án, quyết định của Toà án; đơn khởi kiện, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị. giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong Tố tụng hành chính; biên lai thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và các chi phí khác; các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định phải cấp, tống đạt hoặc thông báo.

Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng trong vụ án hành chính được quy định rất cụ thể và chặt chẽ nhằm đảm bảo công việc này được tiến hành thuận lợi, đảm bảo yêu cầu giải quyết các vụ án hành chính cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong vụ án hành chính. Theo đó, người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng có liên quan. Người được cấp, tống đạt, thông báo hoặc được ủy quyền cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng. Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức nhất định mới được coi là hợp lệ: cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua bưu điện hoặc người thứ ba được ủy quyền; niêm yết công khai; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các thủ tục cụ thể như: thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân; thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức; thủ tục niêm yết công khai; thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được quy định rất cụ thể, chi tiết tại các Điều 98, 99, 100, 101 Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng không phải là người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng thì người thực hiện phải thông báo ngay kết quả việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho Toà án hoặc cơ quan ban hành văn bản tố tụng đó. Như vậy, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã quan tâm đúng mức tới vấn đề cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, đây là tiền đề quan trọng giúp cho việc giải quyết các vụ án hành chính trên thực tế được thuận lợi, nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho các chủ thể tham gia tố tụng lại vừa đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.

Một phần của tài liệu Đặc San Tuyên Truyền Pháp Luật chủ đề LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH (Trang 30 - 31)