3. Thực trạng 1 số ngành sản xuất hàng hóa thâm dụng các yếu tố không dư thừa
3.3.2 Định hướng của nhà nước cho ngành đóng tàu Việt Nam
Một số mục tiêu chủ yếu của kế hoạch này bao gồm: (1)Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia đóng tàu mạnh trong khu vực và thế giới, bên cạnh các cường quốc đóng tàu hiện nay là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc; (2)Nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60%; (3)Nâng mức sản lượng từ 300.000 tấn tàu lên 3 triệu tấn vào năm 2010 và chiếm khoảng 6-7% thị phần đóng tàu thế giới (mục tiêu năm 2015 là 5 triệu tấn, chiếm khoảng 10% thị phần). Khi đó, quy mô của Vinashin bằng ba phần tư quy mô của Hyundai, hãng đóng tàu lớn nhất thế giới hiện nay.
Trước thực trạng ngành đóng tàu chỉ đóng được tàu có trọng tải nhỏ và đầu tư manh mún, chính phủ đã quyết định thành lập một tập đoàn nhà nước để phát triển ngành đóng tàu của Việt Nam. Tập đoàn tàu thủy Việt Nam Vinashin chuyên nhận các hợp đồng đóng tàu có trọng tải lớn và hiện đại nên đây sẽ là ví dụ điển hình cho ngành sản xuất thâm dụng vốn.
Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 103/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn kinh tế, đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước chi phối, trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin).
Và ngày 15 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 104/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Theo Quyết định này, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại cơ quan quản lý, điều hành và các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu chính thức tập đoàn Vinashin ra đời.
Như vậy tập đoàn Vinashin ra đời căn cứ vào các văn bản pháp luật của nhà nước trên cơ sở chỉ đạo của trung ương về việc tổ chức lại ngành công nghiệp tàu thuỷ của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.
Chính phủ đã có những ưu đãi đặc biệt đối với Vinashin với những chính sách đầu tư vốn lớn. Đầu tiên là khoản vay 750 triệu đô la tương đương 12.085 tỷ đồng (tỷ giá lúc bấy giờ) đã làm thế giới bắt đầu biết đến thương hiệu Vinashin.
Theo Quyết định 914 ngày 1-9-2005, Thủ tướng Chính phủ cho phép tập đoàn Vinashin vay lại vốn phát hành trái phiếu Chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế để thực hiện mục tiêu hiện đại hoá và nâng cấp ngành đóng tàu biển và giao cho Bộ Tài chính theo dõi, quản lý.
Trái phiếu quốc tế được phát hành vào ngày 3-11-2005 lãi suất 6,875 %/năm, trả gốc một lần vào ngày 15-1-2016, trả lãi 6 tháng một lần vào ngày 15-1 và 15-7 hàng năm. Vinashin chịu phí phát hành trái phiếu quốc tế trả một lần là 168 tỷ đồng. Tập đoàn đã uỷ thác cho Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thuỷ quản lý và cho các đơn vị trong Tập đoàn vay.
Ngoài ra, Vinashin còn vay 15 ngân hàng và 2 quỹ đầu tư nước ngoài số tiền 600 triệu đô la, tương đương 9.657 tỷ đồng, lãi suất Libor 6 tháng + 1,5%/năm (năm 2007 lãi suất bình quân 6,8%/năm) trả nợ gốc 6 tháng một lần vào ngày 25-6 và 25- 12 hằng năm mỗi lần trả 60 triệu đô la, phí thu xếp tín dụng là 8 triệu USD. [19]
Ngoài hai khoản vay lớn vào năm 2006 và 2007, Vinashin còn sáu lần phát hành trái phiếu trong nước với số tiền 8.300 tỷ đồng, gồm: phát hành đợt 1 (tháng 9- 2006) số tiền 500 tỷ đồng; đợt 2 (tháng 11-2006), số tiền 300 tỷ đồng. Đợt 1 và đợt 2 lãi suất phát hành là 9,6%/năm. Đợt phát hành thứ 3 (tháng 1/2007), số tiền 500 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, sau 5 năm trả gốc một lần. Đợt 4 ngày 18-1-2007, số tiền là 1.000 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, sau 10 năm trả gốc một lần. Đợt 5 số tiền là 3.000 tỷ đồng và đợt 6 số tiền là 3.000 tỷ đồng. Số tiền này được Vinashin đầu tư vào các dự án đóng tàu, nâng cấp hạ tầng công nghiệp đóng tàu tại các đơn vị thành viên.
Ngoài các khoản vay quốc tế, 6 đợt phát hành trái phiếu trong nước, Vinashin còn có các khoản vay khác lên đến 13.672 tỷ đồng. Trong đó công ty mẹ vay 805 tỷ đồng, các công ty con trực tiếp vay 12.866 tỷ đồng.[19]
Bên cạnh đó, tập đoàn công nghiệp tàu thủy việt nam Vinashin còn được vay với mức lãi suất ưu đãi 0%[43]. Đó là một sự ưu đãi rất lớn khi đặt trong bối cảnh lạm phát của nền kinh tế năm 2010 là 11,75%.