Hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn

Một phần của tài liệu Báo cáo tình hình tăng trưởng xanh thành phố hà nội (Trang 30 - 32)

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 8 đơn vị tham gia xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường đô thị (MTĐT), bao gồm: Công ty Cổ phần MTĐT Thăng Long; Hợp tác xã

(HTX) Thành Công; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên MTĐT (Công ty MTĐT Hà Nội chuyển thành), Công ty cổ phần Tây Đô tách ra từ xí nghiệp MTĐT số 5; Công ty Cổ phần môi trường Thanh Trì; HTX Gia Lâm (huyện Gia Lâm, quận Long Biên); Công ty Cổ phần môi trường dịch vụ và dạy nghề Thái Dương; Công ty cổ phần Xanh… Các đơn vị này cùng một số tổ thu gom đã thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các phường của TP. Hà Nội.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải trên địa bàn Hà Nội, đang được thực hiện với tỷ lệ cao. Cụ thể, đối với chất thải rắn sinh hoạt: Tỷ lệ được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt 90% (trong khi đó, quy hoạch đến năm 2020 tỷ lệ thu gom: khu vực đô thị 85% - 100%, nông thôn 70% - 80%). Tổng khối lượng chất thải sinh hoạt hiện nay được tiếp nhận, xử lý hàng ngày trên địa bàn TP khoảng 6.500 tấn/ngày đêm (tổng khối lượng phát sinh ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày) tập trung tại 2 khu xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) khoảng 5000 tấn/ngày đêm và khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) khoảng 1.500 tấn/ngày đêm.

Đối với chất thải rắn công nghiệp: tổng khối lượng chất thải không nguy hại thông thường được thu gom, vận chuyển, xử lý trung bình đạt khoảng 121,4 tấn/ngày. Hiện nay các đơn vị, cơ sở sản xuất tự phân loại ngay tại nguồn để tái chế tái sử dụng, phần còn lại chuyển giao cho đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt hoặc chuyển giao cùng chất thải nguy hại cho đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý.

Đối với chất thải nguy hại: Tổng khối lượng chất thải phát sinh khoảng 217,2 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại (không bao gồm y tế) từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoảng 99% (tương đương với 215 tấn/ngày), khối lượng còn lại được lưu giữ an toàn tại cơ sở. Khối lượng chất thải nguy hại được xử lý tại Hà Nội do Công ty Urence 10 và một số cơ sở xử lý nhỏ lẻ khác. Phần còn lại được vận chuyển để xử lý tại các cơ sở bên ngoài Hà Nội chiếm 27,56%.

Đối với chất thải rắn y tế: Theo báo của Sở Y tế tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh khoảng 26.531kg/ngày (trong đó chất thải nguy hại khoảng 7.457kg/ngày, chất thải thông thường khoảng 19.074kg/ngày). Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99%, còn 1% chưa được xử lý hiện đang được lưu giữ tạm thời tại cơ sơ, do khối lượng phát sinh ít hoặc chưa tìm được đơn vị thu gom, xử lý thích hợp. Tỷ lệ chất thải y tế thông thường được xử lý đạt 100%, xử lý chất thải y tế được thực hiện chủ yếu tại các cơ sở y tế và một phần do công ty Urenco 13 là đơn vị thực hiện tại khu xử lý chất thải Cầu Diễn.

Một phần của tài liệu Báo cáo tình hình tăng trưởng xanh thành phố hà nội (Trang 30 - 32)