II. VAI TRÒ CỦA LIÊN HIỆP QUỐC TRONG ĐỜI SỐNG QUỐC TẾ
4. Vai trò của Liên Hiệp Quốc trong công pháp quốc tế
Hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng lan tỏa do đó phát sinh nhiều vấn đề giữa các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, vai trò của Liên Hiệp Quốc trong công pháp quốc tế ngày càng được nâng cao. Cụ thể, Liên Hiệp Quốc có vai trò to lớn trong việc xây dựng, phát triển rất nhiều văn bản pháp luật quốc tế và đồng thời trong việc thiết lập cơ chế nhằm giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế.
Vai trò trong việc xây dựng, phát triển văn bản pháp luật quốc tế
Trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật quốc tế, vai trò của Liên Hiệp Quốc được thể hiện chủ yếu qua hai con đường:
Một là hoạt động trực tiếp xây dựng pháp luật quốc tế: đây là hoạt động mà Liên Hiệp Quốc trực tiếp tham gia với tư cách là chủ thể của Luật quốc tế. Liên Hiệp Quốc chấp nhận các tập quán quốc tế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức quốc tế trong khuôn khổ thẩm quyền mà các quốc gia thành viên trao cho. Hai là tham gia gián tiếp xây dựng pháp luật: Liên Hiệp Quốc đưa ra sáng kiến, bảo trợ kí kết các Điều ước quốc tế. Thông thường Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức các diễn đàn, các hội nghị để các bên thương lượng và kí kết Điều ước quốc tế, như Hội nghị Luật biển, Hội nghị công ước viên 1969 về Luật điều ước quốc tế giữa các Quốc gia… Liên Hiệp Quốc cũng có thể tham gia soạn thảo các Điều ước quốc tế. Liên Hiệp Quốc thông qua các văn bản với giá trị pháp lý khác nhau, chủ yếu theo ba dạng là những nghị quyết có giá trị pháp lý ràng buộc các quốc gia thành viên trong mọi trường hợp; những nghị quyết hoặc quyết định chỉ có giá trị ràng buộc các quốc gia thành viên trong những trường hợp cụ thể và nghị quyết và nghị
định mang tính khuyến nghị. Liên Hiệp Quốc cũng thiết lập lên các thiết chế để giám sát thực hiện các Điều ước quốc tế mà tổ chức bảo trợ ký kết. Đặc biệt là các điều ước quốc tế về môi trường và quyền con người.
Trong mỗi lĩnh vực pháp luật khác nhau, vai trò của Liên Hiệp Quốc lại được phát huy một cách có hiệu quả:
Trong hệ thống pháp luật quốc tế liên quan đến lĩnh vực giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới: Đước đánh giá là đóng góp lớn nhất chính là việc LHQ đã góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới. Nhờ có sự hòa giải trung gian của LHQ mà một số cuộc khủng hoảng quốc tế đã được giải quyết. Theo thống kê của LHQ, tổ chức này đã hỗ trợ các cuộc thương lượng đưa đến giải pháp hòa hình cho hơn 170 cuộc xung đột ở các khu vực. LHQ cũng đã soạn thảo và xây dựng được 15 công ước quốc tế về giải trừ quân bị, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và ổn định thế giới.
Trong hệ thống pháp luật quốc tế liên quan đến lĩnh vực nhân quyền: Để bảo vệ nhân quyền trên thế giới, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đưa ra rất nhiều Công ước, Hiệp định,… về vấn đề này và đã được các nước thành viên thông qua, có thể kể đến như Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em,…Thêm vào đó, Liên Hiệp Quốc đã đứng ra tổ chức rất nhiều hội nghị quốc tế cũng như thông qua tuyên bố Viên và chương trình hành động năm 1993 về nhân quyền.
Trong hệ thống pháp luật quốc tế liên quan đến lĩnh vực khác: Liên Hiệp Quốc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác như biển, kinh tế, môi trường, chống tham nhũng…
Về môi trường: Điển hình là Liên Hiệp Quốc đã soạn thảo Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Về thương mại: LHQ xây dựng và thông qua Công ước của Liên Hiệp Quốc về chuyên chở hàng hóa bằng đường biển 1978.
Như vậy vai trò của Liên Hiệp Quốc là rất quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật quốc tế. Liên Hiệp Quốc không chỉ chấp nhận tập quán quốc tế, tổ chức các diễn đàn hội nghị, tham gia soạn thảo các điều ước, giám sát ký kết các điều ước của các tổ chức bảo trợ, mà Liên Hiệp Quốc còn không ngừng tiếp
nhận những ý kiến đóng góp và đánh giá tình hình thực tiễn áp dụng của pháp luật quốc tế để ngày một hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Vai trò trong việc thiết lập cơ chế nhằm giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế
Ngoài thực hiện vai trò trong việc đề xuất, soạn thảo hay thúc đẩy việc thành lập nên các Hiệp ước, Hiệp định, Điều ước hay Công ước quốc tế mà Liên Hiệp Quốc còn giữ vai trò lớn trong việc giám sát thực hiện những Điều ước, Hiệp định, … đã ký kết. Ví dụ khi một hiệp ước hòa bình đã được đàm phán, các bên tham gia có thể yêu cầu Liên Hiệp Quốc đưa một lực lượng gìn giữ hoàn bình để giám sát các thành phần đã đồng ý với kế hoạch hòa bình.
Trên thực tế, việc xây dựng và thi hành pháp luật quốc tế còn chưa được thực hiện có hiệu quả. Vấn đề truy cứu trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với chủ thể luật quốc tế có hành vi vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cường quốc lớn với thế mạnh cả về quân sự và kinh tế đã tạo áp lực can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, một số trường hợp còn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực nhưng không phải chịu trách nhiệm.
Để giải quyết được các vấn đề trên, Liên Hiệp Quốc cần phải chủ động xây dựng cơ chế pháp lý độc lập, quyết đoán trong mọi lĩnh vực. Đồng thời, cần xây dựng chi tiết hơn những hậu quả pháp lý đối với hành vi vi phạm Hiệp định, Điều ước… để đảm bảo tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc được đối xử công bằng.