Các hoạt động áp dụng pháp luật này được thực hiện thường xuyên, liên tục, nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên tất cả các lình vực của đời sống xã hội và liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn, do đó, đây là một hình thức quản lý quan trọng do rất nhiều chủ thể có thẩm quyền thực hiện trong quản lý hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, trong thực tiễn của hoạt động xử phạt, không ít trường hợp, chủ thể có thẩm quyền xử phạt đã vi phạm các yêu cầu của hoạt động xử phạt, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ngoài ra, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính cũng còn những “kẽ hở” để các chủ thể có thẩm quyền thực hiện hành vi tiêu cực bởi vì các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính còn bộc lộ những hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật. - Chỉ đối với một hành vi vi phạm, việc xác định thẩm quyền áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có thể tạo ra nhiều cách áp dụng khác nhau.
- Bên cạnh đó, có trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm và thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan khác nhau như Công an phường Phú Thượng, UBND. Theo quy định của pháp luật thì vụ việc này phải chuyển cho Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi xảy ra vi phạm xử phạt song, trong thực tế, khi phát hiện ra hành vi vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền chỉ xử lý đối với hành vi thuộc ngành mình quản lý mà không chuyển toàn bộ vụ vi phạm cho uỷ ban nhân dân để xử lý vì họ muốn giữ vụ vi phạm lại để xử lý nhằm tăng nguồn thu cho cơ quan và cũng không có quy định nào đề cập đến trách nhiệm pháp lý cụ thể khi họ không chuyển toàn bộ vụ vi phạm cho uỷ ban nhân dân xử phạt.
- Hoạt động xử lý vi phạm hành chính là một trong những hoạt động áp dụng pháp luật hành chính, được thực hiện bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền và diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn.