về an toàn thực phẩm
Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về an toàn thực phẩm (ATTP) mà Bộ Y tế đang xây dựng, Bộ này đề xuất tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn), biện pháp khắc phục hậu quả (buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người).
Ảnh minh họa
Bộ Y tế cho biết, Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định 178/2013/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 31/12/2013, đã quy định các hành vi VPHC tương đối đầy đủ; chế tài xử phạt rõ ràng, minh bạch, góp phần quan trọng giúp các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương duy trì và bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước về ATTP. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 178/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Theo đó, một số quy định trong Nghị định 178/2013/NĐ-CP chưa đủ sức răn đe, do vậy, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP được xây dựng theo hướng tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn), biện pháp khắc phục hậu quả (buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người).
Các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả quy định một cách nghiêm minh, chặt chẽ với mức xử phạt cao nhất mà pháp luật cho phép. Đồng thời, hạn chế quy định hình thức xử phạt cảnh cáo, trường hợp có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo cần quy định rõ cho từng hành vi cụ thể, tách riêng ra khỏi hình thức phạt tiền.
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến an toàn thực phẩm được quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về ghi nhãn, chất lượng, quảng cáo sản phẩm cần tích hợp đưa vào Nghị định này cho phù hợp với xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Dự thảo Nghị định được soạn thảo trên cơ sở các quan điểm quy định đầy đủ các hành vi cấm trong Luật ATTP, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATTP, đồng thời tuân thủ nguyên tắc một hành vi chỉ bị xử phạt một lần với một đối tượng và không chồng chéo, lặp lại các hành vi đã được quy định trong lĩnh vực khác.
Dự thảo cũng đưa ra các quy định mức phạt tiền phù hợp, khả thi, tuân thủ Luật xử lý VPHC năm 2012, Luật ATTP và Bộ luật Hình sự, theo đó, mức phạt có thể được quy định theo hành vi vi phạm hoặc theo hành vi vi phạm với giá trị số lượng hàng hoá vi phạm. Đối với đa số các hành vi vi phạm, mức tiền phạt được áp dụng theo hành vi hoặc theo phần trăm giá trị hàng hóa vi phạm thì có quy định mức phạt tối đa.
Còn đối với một số hành vi vi phạm, mức tiền phạt được áp dụng theo Luật xử lý VPHC và Luật ATTP (Khoản 3 Điều 6 Luật ATTP) thì không quy định mức phạt tối đa mà số tiền phạt được quy định không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm (Mức tiền phạt bằng 3,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với cá nhân và bằng 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với tổ chức).
Trong bản dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 51 điều, bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định xử phạt quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vi phạm quy định chất lượng sản phẩm thực phẩm…
(Theo Báo Pháp luật Việt Nam)