Nghề nghiệp của mẹ thường xuyên ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ, đến thời gian chăm sóc trẻ, điều kiện kinh tế, văn hóa và cơ hội giao tiếp của bà mẹ. Những bà mẹ làm nông, nội trợ, lao động tự do thường có nhiều thời gian chăm sóc con hơn những bà mẹ làm công nhân, công chức nhà nước.
Qua bảng 3.1 thể hiện rằng trong nghiên cứu này các bà mẹ đa số là làm công nhân (39.8%), công chức (25.0%) và làm ruộng (26.5%), các nghề khác chỉ chiếm 8.7%. Tìm hiểu mối liên quan giữa nghề nghiệp của mẹ với kiến thức NCBSM ở bảng 3.16 chúng tôi thấy: cũng như yếu tố trình độ học vấn, chúng tôi tìm ra được nghề nghiệp của mẹ có kiến thức đúng về lợi ích của việc NCBSM ở nhóm bà mẹ làm công chức nhà nước là cao nhất 61.2% có ý nghĩa thống kê với p<0.05. Về cho trẻ bú sớm lần đầu sau sinh có tỉ lệ cao nhất ở nhóm lao động tự do khác không có ý nghĩa thống kê với p>0.05. Về thời gian cai sữa >18 tháng tỉ lệ cao nhất ở nhóm lao động tự do khác có ý nghĩa thống kê với p<0.05. Về cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng có tỉ lệ cao nhất ở nhóm bà mẹ làm cán bộ công chức là 95.9% không có ý nghĩa thống kê với p>0.05.
Mối liên quan này phù hợp với nghiên cứu của tác giả Tôn Thị Anh Tú và Nguyễn Thu Tịnh [16]. Có thể giải thích các bà mẹ làm công chức nhà nước có tỉ lệ kiến thức đúng cao hơn các nhóm khác vì các bà mẹ này phần lớn sống ở thành phố và có trình độ học vấn đại học, cao đẳng nên nhận thức của họ tốt hơn.
Qua bảng 3.17 cho thấy có sự liên quan nghề nghiệp bà mẹ với thực hành NCBSM. Về bú sữa non sau sinh, bú mẹ theo nhu cầu tỉ lệ cao nhất ở nhóm bà mẹ làm ruộng không có ý nghĩa thống kê với p>0.05. Tỉ lệ này ở cán bộ công chức là thấp hơn cũng có thể do các bà mẹ làm công chức nhà nước thời gian nghỉ sau sinh hạn chế nên khả năng cho con bú theo nhu cầu giảm.
Về bú sớm lần đầu sau sinh tỉ lệ cao nhất ở nhóm bà mẹ làm lao động công nhật 90.9% không có ý nghĩa thống kê với p>0.05. Ở nhóm cán bộ công chức tỉ lệ này thấp hơn. Có thể thấy rằng các bà mẹ ở nhóm công chức thường đi làm và chọn sinh tại những bệnh viện thành phố nên việc tiếp xúc với con ngay trong những giờ đầu sau sinh là ít hơn. Ngày nay cùng với sự phát triển của kinh tế, đời sống các bà mẹ được cải thiện nên tỉ lệ các bà mẹ cho con ăn thêm sữa ngoài ở các thành phố và các bà mẹ làm công chức nhà nước cũng cao hơn bà mẹ ở nông thôn, đó cũng là những yếu tố góp phần làm cho tỉ lệ trẻ bú sớm sau sinh trong nghiên cứu của chúng tôi vẫn còn thấp. Và chính việc cho trẻ ăn sữa ngoài làm tỉ lệ trẻ BMHT, bú theo nhu cầu của trẻ giảm xuống.