Chúng ta biết rằng các thay đổi thường xuyên và không thể dự đoán được trong cấu trúc mạng làm cho mạng MANET có tính động cao khiến việc định tuyến giữa các nút di động trong mạng thêm khó khăn và phức tạp. Những thách thức này cùng với tầm quan trọng đặc biệt của các giao thức định tuyến trong việc thiết lập các truyền thông giữa các nút di động khiến cho lĩnh vực định tuyến có lẽ là lĩnh vực nghiên cứu tích cực nhất trong mạng MANET. Đặc biệt hơn trong những năm gần đây, số lượng các giao thức định tuyến được đề nghị nhiều hơn và hiệu năng của chúng trong những môi trường mạng và các điều kiện lưu lượng giống nhau được nghiên cứu và so sánh. Kết quả cuối cùng của cộng đồng mạng MANET là cung cấp một tập các giao thức được chuẩn hóa có sức mạnh và khả chuyển đối với hàng chục nghìn nút mạng nhờ đó cho phép thương mại hóa các ứng dụng sử dụng mạng MANET.
Mục đích đầu tiên của giao thức định tuyến mạng MANET là việc thiết lập đường đi chính xác và hiệu quả giữa các cặp nút có nhu cầu truyền thông với nhau để các thông điệp có thể được phân phát tin cậy và đúng thời điểm. Việc khởi tạo tuyến cần được thực hiện với phụ tải và tiêu thụ băng thông nhỏ nhất. Các giao thức định tuyến Distance-Vector và Link-State được thiết kế cho môi trường tĩnh vì thế không thể bắt kịp với những thay đổi cấu trúc mạng thường xuyên trong môi trường mạng MANET, kết quả gây ra việc giảm hiệu năng bao gồm việc hội tụ tuyến chậm, thông lượng truyền thông thấp. Có thể nói các giao thức định tuyến cần được thiết kế để thích hợp với các nhu cầu xác định của môi trường mạng MANET và các đặc tính của nó, cụ thể là tính di động và việc giới hạn băng thông, năng lượng.
Khi nghiên cứu các giao thức định tuyến trong mạng MANET cần lưu ý các yếu tố sau:
ü Thiết lập đường đi chính xác và hiệu quả: Do mạng MANET có cấu trúc mạng thay đổi động nên giao thức định tuyến phải đáp ứng được việc tìm thấy đường đi chính xác và hiệu quả cho gói tin từ nút nguồn đến nút đích.
ü Không có lặp định tuyến: Nếu hiện tượng này xảy ra, một số gói tin có thể được chuyển tiếp quay vòng trong mạng một số lần không xác định, dẫn đến việc tiêu tốn các tài nguyên mạng và có thể gây tắc nghẽn mạng. Giải pháp đưa ra là dùng trường TTL (Time To Live) trong mỗi gói tin, giá trị TTL được làm giảm đi một đơn vị khi nút chuyển tiếp gói tin tới một nút mới và khi giảm đến một giá trị quy định nào đó gói tin sẽ bị loại bỏ.
ü Vấn đề năng lượng và băng thông của mạng: Do các nút trong mạng MANET có năng lượng bị giới hạn nên khi nghiên cứu các giao thức định tuyến cần xem xét đến việc tiết kiệm năng lượng cho nút khi có thể. Ngoài ra, cần tránh vấn đề lãng phí băng thông
ü Hỗ trợ liên kết đơn hướng: Trong trường hợp có một số liên kết đơn hướng (simplex link) giữa một số cặp nút mạng liền kề, giao thức định tuyến cần có khả năng tìm được đường đi theo cả 2 chiều giữa 2 nút mạng.
ü Bảo mật: Các giao thức định tuyến mạng MANET có thể bị tấn công nhằm gây ra sự vận hành sai của giao thức ví dụ như thay đổi thông tin cập nhật định tuyến, sửa đổi tiêu đề gói tin…Do đó, việc đảm bảo an toàn cho giao thức định tuyến mạng MANET là cần thiết.