- Điều tra viên là các cán bộ của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện triển khai nghiên cứu. Các điều tra viên phải có đầy đủ các tiêu chuẩn: có kỹ năng và kinh nghiệm điều tra cộng đồng, có khả năng tiếp cận và khai thác thông tin từ người nhiễm HIV/AIDS; nhiệt tình, có trách nhiệm, trung thực và nghiêm túc trong nghiên cứu; Có thời gian và khả năng làm việc đối với các điều tra xã hội học nhất là các nội dung liên quan đến HIV/AIDS; tất cả điều tra viên được tập huấn kiến thức và kỹ năng điều tra trước khi tham gia nghiên cứu.
- Giám sát viên là các cán bộ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nghiên cứu sinh và các cán bộ có kinh nghiệm của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An. Các
giám sát viên được tập huấn đầy đủ các nội dung và kỹ năng giám sát theo yêu cầu và trực tiếp tham gia đào tạo cho điều tra viên trước mỗi cuộc điều tra. Các nội dung tập huấn bao gồm: mục tiêu của cuộc điều tra, phương pháp chọn đối tượng nghiên cứu, các kỹ năng phỏng vấn, nội dung và ý nghĩa của từng câu hỏi; cách thu thập thông tin, cách kiểm tra phiếu điều tra và thực hành sử dụng bộ câu hỏi…
- Nghiên cứu sinh trên cương vị là Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch nghiên cứu, bộ công cụ nghiên cứu và trực tiếp giám sát điều tra tại cộng đồng, kịp thời hỗ trợ giám sát viên, điều tra viên và giải quyết những khó khăn trong quá trình thu thập số liệu.
- Nơi thực hiện phỏng vấn: để đảm bảo tính riêng tư, không bị phân tán trong thời gian phỏng vấn và người phỏng vấn cảm thấy thoải mái, dễ chịu trong quá trình phỏng vấn, các cuộc phỏng vấn chủ yếu thực hiện tại nhà của đối tượng điều tra. Trường hợp đối tượng điều tra mà gia đình và cộng đồng chưa biết hoặc e ngại việc tiếp cận tại nhà, có thể hẹn và thực hiện phỏng vấn tại nhà ĐĐV, CTV hoặc các địa điểm tế nhị khác như quán cà phê, quán nước… nhưng phải đáp ứng các điều kiện trên và đảm bảo không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng trong thời gian phỏng vấn.
Chương 3
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU