HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Một phần của tài liệu Tải Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2019 - HoaTieu.vn (Trang 103 - 104)

Điều 158. Nguyên tắc trong hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

1. Hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường phải phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam và nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

2. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường với các quốc gia, tổ chức quốc tế được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, đảm bảo lợi ích hợp pháp và uy tín của quốc gia, tôn trọng độc lập chủ quyền, tuân thủ luật pháp của mỗi bên và luật pháp quốc tế.

3. Tranh chấp quốc tế liên quan đến môi trường trong quá trình hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế được giải quyết phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo thông lệ, luật pháp quốc tế và luật pháp của các Bên liên quan.

Điều 159. Trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích việc tăng cường và chủ động hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế, hỗ trợ cho hội nhập quốc tế về kinh tế, phù hợp với đường lối, chính sách, pháp luật và tiến trình phát triển của Việt Nam.

2. Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp với nghĩa vụ trong điều ước quốc tế liên quan đến môi trường hoặc trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế liên quan mà Việt Nam đã cam kết thực hiện khi tham gia là thành viên. Khi tham gia hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường, Nhà nước đảm bảo về nguồn lực và thực hiện đầy đủ cam kết trong điều ước quốc tế và trong tổ chức quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

3. Nhà nước khuyến khích mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm: tăng cường nguồn lực, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ và mô hình quản lý tiên tiến cho bảo vệ môi trường; ứng phó, giải quyết sự cố và các vấn đề liên quan đến môi trường ở phạm vi quốc gia, khu vực, toàn cầu và xuyên biên giới. Hợp tác quốc tế được thực hiện thông qua các phương thức và mô hình phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam.

4. Tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật và quy định về môi trường, phòng ngừa và hạn chế tác động tiêu cực về môi trường trong quá trình hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế; chủ động đáp ứng yêu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn về môi trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam và hỗ trợ, thúc đẩy hội nhập quốc tế về kinh tế.

Điều 160. Trách nhiệm giám sát và báo cáo tình hình hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp và định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Chương XV.

Một phần của tài liệu Tải Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2019 - HoaTieu.vn (Trang 103 - 104)