II. Cách phòng tránh, chữa trị bệnh xơ gan
2. Các cách chữa trị bệnh xơ gan
2.2. Điều trị biến chứng
2.2.1. Điều trị chảy máu phình tĩnh mạch thực quản
Đây là một điều trị cấp cứu nhằm duy trì thể tích tuần hoàn, tuy nhiên khi bù dịch quá nhiều có thể làm tăng áp lực cửa hơn, hậu quả là chảy máu nhiều hơn và vì vậy nên cẩn thận.
- Truyền máu tươi hoặc huyết tương tươi và theo dõi bằng áp lực tĩnh mạch trung ương, lượng nước tiểu, tình trạng tinh thần kinh. Khoảng 50% trường hợp có thể tự ngừng nhưng nguy cơ chảy máu lại còn cao.
- Thuốc co mạch: (dùng giai đoạn cấp): Vasopressin hoặc somatostatin. Truyền vasopressin (Pitressin) 20 đv/100ml dextrose 5% IV trong 10 phút áp lực cửa sẽ giảm sau 45 – 60 phút, hoặc 0,4 đv/ml trong 2 giờ gây co mạch tạng làm giảm máu trong hệ cửa, hiệu quả 80% và có hơn ½ không chảy máu tiếp. Tác dụng phụ thiếu máu cơ tim, thiếu máu ống tiêu hóa, suy thận cấp, hạ natri máu. Để làm giảm bớt biến chứng này có thể dùng phối hợp nitroglycerin tiêm tĩnh mạch 40mg/phút. Glycerin (Terlipressin) có tác dụng dài hơn vasopressin, truyền 1mg/mỗi 4 giờ trong 24 giờ
- Somatostatin hoặc octreotid làm co mạch tạng trực tiếp, kiểm soát chảy máu tốt và ít tác dụng phụ hơn vasopressin, liều đầu tiên 250µg sau đó truyền 25 – 50 µg/giờ.
Cầm máu bằng sonde Blakemore hoặc sonde Minnesota. Nguy cơ sặc vào phổi và vỡ thực quản do loét, thủng.
- Tiêm xơ: điều trị chảy máu cấp và tiêm lặp lại duy trì cho đén khi xẹp tĩnh mạch. Thuốc thường dùng là polidocanol. Biến chứng: loét niêm mạc có thể gây chảy máu hoặc hẹp thực quản, thủng.
- Thắt tĩnh mạch phình qua nội soi thì kiểm soát chảy máu tốt hơn và giảm được biến chứng cũng như chảy máu tái phát.
- Phẫu thuật cấp cứu: Đặt TIPS
- Thắt đoạn thực quản cấp cứu bằng súng kẹp qua đường mở thông dạ dày mặt trước. Thời gian làm thủ thuật ngắn ít biến chứng, tử vong thấp
- Cimetidin hoặc Ranitidin: để dự phòng loét dạ dày cấp do stress.
- Kháng sinh dự phòng nguy cơ cao nhiễm khuẩn dạ dày ruột: dùng Norfloxacin. - Tháo phân: loại bỏ máu khỏi ruột, dùng lactulose.
- Điều trị dự phòng chảy máu tái phát: Phối hợp Nadolol và Isosorbide mononitrate với tiêm xơ định kì hoặc với thắt tĩnh mạch phình (band ligation)
2.2.2. Điều trị bệnh dạ dày do tăng áp lực tĩnh mạch cửa
Xác định bằng nội soi. Có chỉ định dùng thuốc chẹn β giao cảm, trong khi kháng H2 tỏ ra ít hiệu quả.
2.2.3. Điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát (SBP)
Kháng sinh được chọn lựa là Cefotaxime 6g/24 giờ x 5-7 ngày. Chỉ cần dùng bằng đường tĩnh mạch sau 48 giờ đã thấy giảm bạch cầu trong dịch cổ trướng. Sau đó điều trị dự phòng với norfloxacin 400mg/ng, hoặc ciprofloxacin 750mg/tuần, hoặc bactrim cho 5 ngày/tuần, tối thiểu là 6 tháng, có hiệu quả phòng tái phát.
2.2.4. Điều trị hội chứng gan thận
Hạn chế dịch, muối, protein, kali, không dùng thuốc độc cho gan, điều trị nhiễm khuẩn nếu có, không dùng Manitol. Lợi tiểu liều cao và chạy thận nhân tạo cũng không cải thiện. Các thuốc co mạch như metaraminol, agiotensin II, ornipressin ít có hiệu quả trên thận. Chất ức chế nitric oxide còn trong thử nghiệm. TIPS thực hiện cho Child C ít hiệu quả mà nên đặt vấn đề ghép gan.
PHẦN C: KẾT LUẬN
Những hiểu biết mới về nền tảng sinh lý bệnh của xơ gan giai đoạn tiến triển, biểu hiện bằng đáp ứng viêm hệ thống liên quan đến rối loạn chức năng tuần hoàn đã cung cấp một mô hình hiệu quả cho việc quản lý những bệnh nhân này, với mục tiêu giảm thiểu đợt bùng phát của bệnh bằng cách ngăn chặn khởi phát biến chứng thường gặp bao gồm cả suy đa cơ quan. Những can thiệp này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài sống còn của bệnh nhân, đồng thời giảm chi phí chăm sóc y tế. Bên cạnh điều trị nguyên nhân, những mục tiêu trên có thể đạt được bằng các biện pháp đối kháng liên tục với yếu tố sinh lý bệnh chủ chốt, như tăng áp lực cửa, chuyển vị vi khuẩn bất thường từ ruột, đáp ứng viêm toàn thân, rối loạn chức năng tĩnh mạch tuần hoàn và thay đổi đáp ứng miễn dịch. Ngoài những phương pháp trị liệu mới, các mục tiêu này có thể đạt được bằng cách sử dụng nhiều loại thuốc ở bệnh nhân xơ gan với chỉ định khác hoặc trong bệnh cảnh lâm sàng khác, bao gồm thuốc kháng sinh đường uống không hấp thụ, thuốc ức chế beta không chọn lọc, albumin người và statin.
“Sức khỏe là sự im lặng của các cơ quan”. Nếu các cơ quan hoạt động tốt nó sẽ im lặng con người không cảm thấy đau mệt. Một khi cơ thể mắc bệnh xơ gan sẽ gây ra hàng loạt các biến chứng và tùy theo mức độ bệnh việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn. Cách tốt nhất là phát hiện sớm về điều trị triệt để các vấn đề về gan khi còn chưa phát triển quá nhanh. Bên cạnh đó, việc phòng tránh, chế độ ăn uống phù hợp và một môi trường lành mạnh sẽ giúp chúng ta ít mắc phải căn bệnh này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Tiếng Việt
1. Bộ môn Sinh lý học – Đại học Huế - Đại học Y Khoa (2011). Bài giảng Sinh lý học. 2. Ngô Đắc Chứng (chủ biên), Nguyễn Thị Tường Vy, Trần Văn Giang, Đinh Văn Dũng, Ngô Văn Bình (2017). Giáo trình Giải phẫu - sinh lí người và động vật. Nhà xuất bản nông nghiệp.
3. PGS.TS. Đặng Công Thuận – Trường Đại học Y dược Huế - Bộ môn giải phẫu bệnh – y pháp. Giáo trình Giải phẫu bệnh. Nhà xuất bản Đại học Huế.
4. PGS. TS. Huỳnh Văn Minh - Trường Đại học Y - Dược Huế - Bộ môn nội. Giáo trình bệnh học nội khoa (tập 1). Nhà xuất bản Y học.
5. GS.TS. Ngô Quý Châu (chủ biên), GS.TS. Nguyễn Lân Việt, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh, GS.TS. Phạm Quang Vinh - Trường Đại học Y Hà Nội (2016). Bệnh học nội khoa (tập 2). Nhà xuất bản 2016.
6. http://www.benhhoc.com
7.http://www.drthuthuy.com/Faq/CoCheBenhSinhXoGan.
II. Tiếng Anh
1. Tortora, G.J. and Derickson, B. (2009). Principles of Anatomy and Physiology. NewYork: McGraw-Hill, Inc.