Hoạt động dịch vụ tín dụng trên địa bàn TPHCM
2.3.2 Hoạt động của các dịch vụ ngân hàng hiện đại 1 Tình hình chung
2.3.2.1 Tình hình chung
Trong những năm qua, việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực ngân hàng đã đem lại những kết quả hết sức to lớn. Lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử, tin học đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ứng dụng và phát triển các phần mềm quản lý, quản trị và kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng. Đến nay tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã phát triển và trang bị máy tính cùng hệ thống mạng được kết nối. Với nền tảng công nghệ đó nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng điện tử ra đời như: home banking, internet banking, e banking…trong đó hoạt động ngân hàng qua mạng điện thoại di động (Mobilbanking) được các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố phát triển với nhiều tiện ích như: cung cấp thông tin về tài khoản qua nhắn tin, thông tin thị trường, tỷ giá, lãi suất, giá cả, giao dịch chứng khoán, nhà đất…Có thể kể đến ngân hàng tự động của ngân hàng TMCP Đông Á, VCBmoney của ngân hàng Ngoại Thương, trên nền tảng công nghệ hiện đại với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, đáp ứng được nhu cầu thanh toán cho các tổ chức này thông qua các lệnh về UNC, UNT, lệnh chuyển tiền, thanh toán mua bán ngoại tệ hoặc thanh toán lương tự động. Cụ thể ngân hàng Á Châu đã đưa vào khai thác Homebanking để thực hiện một số giao dịch như chuyển khoản, chuyển tiền cho người không có tài khoản ở ngân hàng, thanh toán hoá đơn tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại cho khách hàng. Đến nay có khoảng 140 doanh nghiệp tham gia giao dịch qua homebanking của Ngân hàng Á Châu, trong đó có 50 doanh nghiệp là khách hàng thường xuyên với doanh số giao dịch khoảng 2-3 tỷ đồng mỗi tuần. Một số công ty điện lực, bưu điện đã phối hợp với một số ngân hàng để thực hiện thu tiền điện, điện thoại qua dịch vụ nhờ thu của ngân hàng. Giai đoạn đầu doanh số thanh toán chưa nhiều nhưng đã thể hiện được bước tiến mới và đạt được yêu cầu đặt ra trong chương trình phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng.
Một vấn đề đặt ra là việc xã hội hoá các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Đây là những dịch vụ tương đối mới nên số khách hàng sử dụng còn chưa nhiều, do đó ngân hàng cần phải có những chính sách tiếp thị thật tốt để khách hàng biết đến sản phẩm của mình. Theo kết quả điều tra của tác giả, khách hàng chủ yếu biết đến các dịch vụ truyền thống nhiều hơn. Đối với dịch vụ ngân hàng hiện đại thì có đến 46,39% số khách hàng được hỏi biết đến dịch vụ ATM của ngân hàng; 25,77% biết dịch vụ thẻ, 12,37% biết dịch vụ mobilbanking; 20,62% biết đến dịch vụ internetbanking…vấn đề ở đây là tại sao khách hàng còn ít quan tâm đến dịch vụ ngân hàng hiện đại? Câu trả lời là sự đa dạng của các sản phẩm chưa cao, sự hấp dẫn còn hạn chế. Chỉ có 21.60% khách hàng được hỏi cho rằng sản phẩm dịch vụ chưa lôi cuốn. Bên cạnh đó mức độ an toàn của sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đang còn là một vấn đề mà các khách hàng còn rất e dè khi sử dụng. Có đến 45,60% khách hàng cho rằng mức độ an toàn của hệ thống ngân hàng điện tử của chúng ta là chưa cao, họ chưa tin tưởng để sử dụng dịch vụ này.