Tình hình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm sinh học và biện pháp phòng trừ nấm botrytis cinerea pers. gây bệnh thối xám trên cây trồng (Trang 29 - 33)

2. TỔNG QUAN TÀI LIỆU

2.3 Tình hình nghiên cứu trong nước

Nấm B.cinerea đã được phát hiện trên nhiều loại cây trồng ở các vùng khác nhau của Việt Nam. Nấm đã được phát hiện thấy trên trên các cây cà chua, mận, đào, dâu tây... v.v. Nấm là một yếu tố hạn chế đến khả năng bảo quản và chuyên chở của các loại quả sau thu hoạch ở nước ta (Roger 1953[60]; Viện BVTV 1975, Đặng Vũ Thị Thanh và Hà Minh Trung 1999[5]).

Là loài nấm đa thực, nấm gây bệnh thối xám trên lá, củ, quả, thân và các bộ phận non của nhiều loài cây trồng, trên lá vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá, không có hình dạng nhất định, lúc đầu vết bệnh có dạng thấm nước, lá bệnh thường mềm nhũn, trên có lớp mốc màu xám. Cành bào tử nấm B.cinerea mọc đơn lẻ, thẳng, đa bào, cành phân nhánh ngắn, trên đỉnh phân nhánh hơi phình to thành hình cầu, có đính các núm nhỏ. Cành không màu hay có màu nâu nhạt. Bào tử đính trên các núm nhỏ, hình trứng hay hình bầu dục, đơn bào không màu, kích thước bào tử 5,8-11,6 x 7,3-15,9 µm (Đặng Vũ Thị Thanh, 2008)[4]. Nấm đã được phát hiện gây hại trên 30 loài cây thuộc 16 họ thực vật Tại vùng đồng bằng Sông Hồng nấm B.cinerea gây hại chủ yếu cho các cây trồng vụ đông xuân. Đặc biệt trong vụ xuân năm 2008 có tới 38 ngày liên tục nhiệt độ thấp hơn 130C nhiều cây trồng đã bị chết rét hay sinh trưởng chậm đã tạo điều kiện cho nấm B.cinerea tấn công gây hại trên nhiều loại rau, màu như lạc, thuốc lá, cà chua, bắp cải, su hào, đậu, bầu bí và cây gia vị các cây hay bị bệnh thường bị thối nhũn khi trời ẩm ướt và trên bề mặt vết bệnh thường có một lớp mốc xám phủ. Cá biệt có ruộng lạc do cây cằn cỗi nấm tấn công gây bệnh cho hầu hết các cây trong ruộng, nhiều cây bị chết chồi và ngọn (Đặng Vũ Thị Thanh, Vũ Duy Hiện, Mai Văn Quân, 2010)[8].

Theo Vũ Triệu Mân, Lê Lương Tề (2001)[17] bệnh thối xám do nấm

B.cinerea, sợi nấm màu nâu sáng, kích thước không đều (10-20µm), bào tử có hình dạng khác nhau, hầu như không màu, nhưng khi tập chung thành từng khối, chúng có màu vàng, kích thước 12,7-18,2 x 8,2-10,9 µm. Hạch nấm có kích thước khác nhau 0,5- 4mm, hạch có khả năng sinh sống 2-3 năm. Bào tử lan truyền nhờ gió, nước, khi tiếp xúc với cây và gặp điều kiện thích hợp, bào tử nảy mầm và xâm nhập vào mô bào. Trong điều kiện nhiệt độ 9-240C, độ ẩm >91%. Ở miền Bắc vào khoảng tháng 2-3 khi trời mát, có mưa phùn là điều kiện thích hợp để nấm phát triển trên cà chua đông xuân ở giai đoạn cuối vụ hoặc trên cà chua xuân hè ở giai đoạn cuối vụ.

Tại vùng trồng cà chua của đồng bằng sông Hồng nấm gây hiện tượng thối ngọn và thối quả cà chua. Nấm đã làm giảm năng suất cà chua đáng kể và đồng thời nấm còn làm giảm khả năng bảo quản, chuyên chở của cà chua. Bệnh thường xuất hiện từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, gây hại trên cà chua đông xuân ở giai đoạn cuối vụ và các giống cà chua S-901, Ba Lan, VL 2000 trồng trong vụ đông xuân đều bị nhiễm bệnh, tỷ lệ bệnh trung bình 12,9%, chỉ số bệnh là 3,3% (Nguyễn Văn Viên, 1999)[12], cũng theo tác giả nấm

B.cinerea thường xuất hiện trên lá chét sau đó lan ra gân chính của lá chúng phát triển rộng và làm cho mô bệnh bị chết khô và vết bệnh có màu xám, ranh giới giữa mô bệnh và mô khoẻ có màu nhạt. Bệnh còn xuất hiện trên thân, cành vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, màu thâm đen sau đó lan rộng gây thắt thân, cành, vết bệnh có màu xám, phần thân và cành phía trên vết bệnh bị héo dần và khô tóp. Trên quả vết bệnh là những đốm nhỏ, mờ sau đó vết bệnh lan rộng dần, bệnh thường xuất hiện ở vai quả hay gần núm quả.

Vụ xuân năm 2005 tại vùng Hà Nội và phụ cận trong 8 loại bệnh hại trên hoa hồng thì bệnh thối xám do nấm B.cinerea gây hại nặng nhất (Đinh Thị Dinh, 2005) [2].

Các biện pháp phòng trừ bệnh thối xám hại trên cà chua vụ đông và vụ đông xuân ở vùng trồng cà chua phía Bắc là làm giàn cho cà chua, cắt bỏ lá già, cành nhỏ ở gốc, tạo luống thông thoáng, sử dụng các loại thuốc hoá học: Rovral 50WP nồng độ 0,5%, thuốc Zineb 80WP nồng độ 0,7% phun 2 lần có tác dụng phòng chống bệnh, độ hữu hiệu đạt 69,3% và 69,8% (Nguyễn Văn Viên, 1999)[12].

Theo Đường Hồng Dật (1978)[9] để phòng trừ bệnh thối xám do nấm

B.cinerea gây ra cho cây hoa hướng dương có thể sử dụng các loại thuốc: Rovral, Benlate, Topsi, Carbenzim. Để phòng trừ bệnh thối xám trên hoa cúc sử dụng dung dịch Boocdo 1% hoặc Zineb 0,2% phun định kỳ 7 ngày/lần

Trong quá trình bảo quản hoa hồng để hạn chế bệnh thối xám hiệu quả nhất cần hạ thấp nhiệt độ, giảm thời gian đọng nước trên mặt lá, huỷ hết tàn dư bị bệnh, cắt ngắn bớt cành lá bị bệnh (Đỗ Thị Lợi, 2004). Trên cây hoa hồng phun các loại thuốc hoá học Kasuran, Daconil, Carbenzim phun định kỳ 7 ngày/lần để phòng trừ bệnh thối xám (Nguyễn Thị Kim Lý, 2009) [10].

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm sinh học và biện pháp phòng trừ nấm botrytis cinerea pers. gây bệnh thối xám trên cây trồng (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)