3.1.1.Định hướng hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
Mục tiêu tổng thể của Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 là nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH theo hướng bền vững, đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển tín dụng chính sách phù hợp với đường lối của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 -2010, định hướng Phát triển Kinh tế xã hội đến năm 2020, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xoá đói giảm nghèo đến năm 2010.
Những yếu tố cơ bản đối với sự phát triển bền vững của tổ chức tín dụng nói chung và của NHCSXH nói riêng đó là: Nguồn vốn, màng lưới giao dịch, công nghệ, đội ngũ cán bộ. Chiến lược hoạt động của NHCSXH được chia thành hai giai đoạn. Hiện ngân hàng đang ở giai đoạn một với đặc trưng chủ yếu là dựa vào nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp để cho vay với lãi suất ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giai đoạn hai là giai đoạn mà NHCSXH đã cơ bản hoàn thành được nhiệm vụ cho vay xoá đói, giảm nghèo và cần thiết phải tự đứng vững trên đôi chân của mình, từng bước khẳng định vị thế của ngân hàng trên thị trường tại chính.
Xuất phát từ những yếu tố cơ bản trên, NHCSXH đã định hướng hoạt động để phấn đấu đến năm 2010 xây dựng NHCSXH trở thành một Ngân hàng đủ mạnh, có khả năng quản lý tốt các mguồn vốn tín dụng ưu đãi, đảm bảo vốn đến tay người cần vốn theo đúng chính sách, chế độ mà Nhà nước đã đề ra, mang lại hiệu quả cao cả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội,
góp phần thực hiện thắng lợi đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đề ra.
Trong giai đoạn 2007-2010, tín dụng ưu đãi của Nhà nước vẫn được xác định là công cụ tài chính quan trọng của Chính phủ để thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng và giảm đói nghèo. Tuy vậy, cần đổi mới chính sách tín dụng ưu đãi theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, giảm bao cấp, bền vững về tài chính và tuân thủ các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết gia nhập WTO. Huớng chính trong đổi mới chính sách tín dụng ưu đãi là nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Chú trọng đến chất luợng tín dụng, giảm hỗ trợ trực tiếp từ NSNN. Đổi mới hoạt động của các tổ chức thực hiện tín dụng chính sách theo hướng tăng tính tự chủ, từng bước bền vững về tài chính, giảm bao cấp trực tiếp từ Nhà nước. Điều chỉnh mức vay và thời hạn cho vay, tạo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện công bằng xã hội, trực tiếp là mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.
Về quản lý chất lượng tín dụng: tập trung củng cố, nâng cao toàn diện các mặt hoạt động, đặc biệt là nâng cao chất lượng tín dụng phấn đấu nợ quá hạn dưói mức 5%.
Phương hướng cụ thể của NHCXSH đến 2010
- Tập trung huy động, khai thác các nguồn lực tài chính không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp , trang thủ các nguồn tài trợ nhân đạo trong và ngoài nước để lập quỹ đầu tư cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, đặc biệt coi trọng thu hồi nợ đến hạn để tái đầu tư quay vòng vốn. - Bảo đảm 100% vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tất cả các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn đều được hỗ trợ và tư vấn cách thức sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang đầu tư theo các chương trình dự án
nhỏ, đơn giản, dễ tính toán, tạo điều kiện cho người nghèo tập dượt cách làm ăn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
- Phấn đấu đạt mức tăng trưởng dư nợ chung cho các chương trình trong giai đoạn 2008-2010 khoảng 30-35%/năm.
- Tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh chính sách, cơ chế quản lý, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn vốn, cơ chế tín dụng và cơ chế tài chính. Đến năm 2010, các chi phí quản lý ngành ( trừ chi phí lãi suất huy động vốn), được thực hiện trên cơ sở nguồn thu lãi cho vay và nguồn thu các dịch vụ ngân hàng.
- Tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý đã xác định, củng cố và hoàn thiện phương thức uỷ thác từng phần cho các tổ chức chính trị- xã hội, Tổ TK&VV. tổ giao dịch lưu động và điểm giao dịch xã.
- Có kế hoạch trang bị đủ các phương tiện làm việc cho NHCSXH, nhất là hệ thống tin học, thay thế quy trình công nghệ thủ công, năng suất lao động thấp để giải quyết những khó khăn về tổ chức mạng lưới, về nhân lực và điều hành tác nghiệp của hệ thống NHCSXH. Tiếp tục đổi mới cơ chế điều hành gọn nhẹ, bỏ cầu cấp trung gian, khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm từ cơ sở . Tiếp tục cải tiến thủ tục và quy trình nghiệp vụ đơn giản, dễ làm, tránh gây phiền hà cho khách hàng. Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham ô, giảm chi phí giao dịch tối thiểu cho khách hàng và ngân hàng.
Để thực hiện theo định hướng trên, trong quá trình triển khai thực hiện NHCSXH sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn.
a) Thuận lợi:
- Chính sách nhất quản của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xoá đói, giảm nghèo là không thay đổi và được đầu tư ngày một mạnh hơn.
- Đảng bộ và chính quyền các cấp, cộng đồng dân tộc tin tưởng, ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho NHCSXH hoạt động.
- Sau 5 năm hoạt động, hệ thống NHCSXH đã trưởng thành cơ bản về cơ sở vật chất, màng lưới, năng lực điều hành và đặc biệt là sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống. Thế và lực của NHCSXH ngày càng được khẳng định.
b) Khó khăn
- Nếu thành công lớn nhất của NHCSXH trong 5 năm qua là đã tổ chức có hiệu quả việc chuyển tải nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng, thì khó khăn lớn nhất là chưa xây dựng được chiến lược nguồn vốn ổn định, lâu dài. NHCSXH là tổ chức tài chính Nhà nước, là công cụ để triển khai các chính sách, chế độ an sinh xã hội nên vốn của NHCSXH là vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, việc bố trí vốn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước còn bất cập, còn có khoảng rất xa giữa nhu cầu vốn của các chương trình an sinh cho xã hội với thực tế vốn được bố trí trong kế hoạch hàng năm, dẫn tới bị động, chắp vá cho cả các cơ quan chức năng và NHCSXH.
- Thực hiện kế hoạch tín dụng 5 năm (2006-2010) trong bối cảnh lạm phát tiền tệ, nạn tiêu cực, tham nhũng còn nhiều nguy cơ đe doạ, việc duy trì và quản lý vốn tín dụng ngày càng phức tạp, khó khăn hơn.
- Những tồn tại yếu kém về vốn, về cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ và những việc chưa triển khai được theo Nghị định số 78/2002/NĐ- CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trong 5 năm qua cũng là những thách thức to lớn trên bước đường đi tiếp. Đặc biệt là đang tồn tại ở một bộ phận cán bộ trong và ngoài ngành về nhận thức chính sách nảy sinh những quan điểm khác nhau nhận định về tính bền vững của NHCSXH và về thực hiện chế độ lãi suất ưu đãi, quá nóng vội thực hiện phương pháp tín dụng như NHTM.
3.1.2.Định hướng hoạt động tín dụng đối với HSSV của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
Hiện nay, đối tượng vay vốn tín dụng chính sách của NHCSXH chủ yếu là hộ nghèo, tuy nhiên tỷ trọng dư nợ cho vay hộ nghèo có xu hướng giảm thay vào đó là tỷ trọng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách khác tăng dần. Xu hướng trong tương lai NHCSXH sẽ nâng dần tỷ trọng cho vay các đối tượng chính sách khác như: Cho vay vộ sản xuất ở vùng đặc biệt khó khăn, cho vay học sinh sinh viên, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh nông thôn, cho vay hộ cận nghèo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma tuý, thương nhân kinh doanh thương mại tại vùng khó khăn, cho vay theo các dự án nhận uỷ thác, tài trợ, các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính ..v..v.
Đối với hoạt động tín dụng HSSV hiện tỷ trọng đứng thứ ba sau cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm , mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm (2006-2010) là tổng nguồn vốn đạt trên 50.000 tỷ đồng trong đó vốn điều lệ được cấp là 10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cuối năm 2007. Dư nợ các chương trình đến cuối năm 2010 đạt từ 42.000 đến 45.000 tỷ đồng, tăng 75% so với cuối năm 2007, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 20% hàng năm. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 5%.
Về kế hoạch dự kiến nguồn vốn năm 2008 cho vay HSSV là 8.000 tỷ đồng. Để chuẩn bị điều kiện cho HSSV bước vào năm học mới , NHCSXH dự kiến sẽ bắt đầu cho vay đối với học kỳ I năm học 2008-2009 hoàn thành trong tháng 11/2008. Theo kế hoạch học kỳ I năm 2008-2009, NHCSXH sẽ giải ngân 5.000 tỷ đồng.
3.2. Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay học sinh, sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
Để nâng cao chất lượng tín dụng NHCSXH cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp chính sau:
3.2.1. Công tác nguồn vốn
Tăng trưởng nguồn vốn nhằm đáp ứng đủ vốn cho số HSSV có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện được vay vốn.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự là một Ngân hàng của chính phủ. Mục tiêu hoạt động vì mục tiêu người nghèo và các đối tượng chính sách, gắn lền với nhiệm vụ chính trị, khách hàng vay là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn dùng để cho vay HSSV còn rất thấp. Nếu đáp ứng đủ số HSSV có hoàn cảnh khó khăn, đủ điều kiện vay thì còn thiếu rất nhiều. Giải pháp tăng trưởng nguồn vốn một cách ổn định, hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững, NHCSXH cần xây dựng chiến lược huy động vốn trung và dài hạn theo định hướng dưới đây:
+ Chủ động, độc lập tạo lập nguồn vốn để thay thế dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn 2% đi vay và nhận tiền gửi từ các NHTM. Theo lịch trình của Chính phủ đến năm 2008 các NHTM nhà nước sẽ được cổ phần hoá, nguồn vốn này sẽ có thể thay đổi.
+ Tạo lập nguồn vốn có lãi suất thấp từ các kênh huy động, có chính sách thu hút khách hàng, đa dạng về nguồn tiền gửi vãng lai, phát triển dịch vụ tiền gửi, dịch vụ thanh toán và các dịch vụ mới.
+ Xây dựng một cơ chế huy động vốn trong toàn hệ thống để nâng cao khả năng cạnh tranh về chi phí huy động, mức độ biến động và khả năng đáp ứng kịp thời của mỗi nguồn vốn.
+ Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách về huy động vốn theo hướng tăng cường nguồn vốn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp, nguồn vốn này phải chiếm phần lớn quỹ cho vay, tạo điều kiện từng bước giảm cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN. Huy động vốn theo lãi suất thị trường phụ thuộc vào kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất. NHCSXH cần chuyển hướng huy động vốn sang các hình thức phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, huy động tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (hiện nay tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các NHTM có lúc lên đến hơn 15.000 tỷ đồng, lãi suất các NHTM nhà
nước trả 0,2%/tháng), huy động nguồn vốn ODA, nhận tiền gửi kiều hối và mở rộng các dịch vụ như: tiền gửi thanh toán, dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thanh toán bảo hiểm, cung ứng lao vụ ở nông thôn, đến tận hộ gia đình. Đặc biệt cần chú trọng khai thác dịch vụ nhận ủy thác cho vay các chương trình chỉ định của các tổ chức kinh tế - xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Tiếp tục hoàn thiện các loại hình tiền gửi hiện có, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các dịch vụ tiền gửi hiện đang được khách hàng ưa chuộng như: Tiền gửi lãi suất bậc thang, tiết kiệm gửi góp, tiền gửi có tham gia dự thưởng....
- Những năm tới, cần tăng cường chỉ đạo mở rộng dịch vụ tiền gửi thanh toán đến hộ gia đình, dịch vụ bảo hiểm, tiết kiệm… củng cố huy động tiền gửi các Tổ tiết kiệm và vay vốn, huy động tiền gửi tiết kiệm trong cộng đồng người nghèo. Trong quản lý nguồn tiền gửi này để đảm bảo an toàn, tránh tham ô lợi dụng của các tổ trưởng tổ vay vốn, NHCSXH cần phải tổ chức quản lý tiền gửi đến từng thành viên, các giao dịch của cá nhân thành viên tổ vay vốn thực hiện giao dịch trực tiếp với NHCSXH không thông qua tổ trưởng tổ vay vốn. Hiện nay mỗi thành viên đã có một sổ tiền gửi tiết kiệm và vay vốn vì vậy NHCSXH chỉ cần tổ chức khâu hạch toán và theo dõi đến từng thành viên là hoàn thiện được nội dung quản lý này.
- Mở rộng các loại hình dịch vụ Ngân hàng theo hướng phát triển phù hợp với xu thế chung của các NHTM Việt nam hiện nay. Việc mở rộng các loại hình dịch vụ Ngân hàng là nhằm mục đích tăng nguồn thu và đa dạng hoá rủi ro, thu hút khách hàng, tận dụng các cơ sở vất chất kỹ thuật, bộ máy con người hiện có để có thêm nguồn thu, tăng thêm tính tiện ích cho khách hàng nhằm thu hút khách hàng gửi tiền và thực hiện các dịch vụ thanh toán qua NHCSXH.