VII. MÔ TẢ BẢN CHẤT CỦA SÁNG KIẾN
8. Hướng dẫn học sinh những chú ý khi làm bài
Đối với đề bài văn nghị luận xã hội lấy kiến thức, thông tin và cả những kinh nghiệm có trong cuộc sống để minh chứng cho lý lẽ của mình. Do vậy đòi hỏi HS cần có một kiến thức sống khá phong phú; có sự tinh tế và nhạy bén trong nhận định một vấn đề. Để làm tốt, HS phải thường xuyên thu nhận thông tin hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ghi chép lại những thông tin cần thiết làm tài liệu cho riêng mình (chú ý phải ghi nguồn xuất xứ thông tin để chú thích khi trích dẫn vào bài làm). Tất nhiên khi đưa dẫn chứng vào bài làm, HS phải sàng lọc chi tiết có liên quan, tránh dẫn chứng tràn lan, đi lệch hay đi quá xa vấn đề cần phân tích hay chứng minh.
Ngoài ra, phong cách thể hiện (là văn phong của mỗi HS) là điều vô cùng quan trọng, các em cần thể hiện sự sáng tạo trong bài làm. Cách viết hay cách thể hiện khác lạ dễ gây chú ý giám khảo, nếu sự khác lạ đó độc đáo chắc chắn các em sẽ đạt điểm cao. Với bài văn nghị luận xã hội, HS khi sử dụng ngôn ngữ cần chọn những từ ngữ súc tích có tính hình tượng cao và lúc thể hiện cũng cần
phải ngắn gọn nhưng phải đảm bảo đầy đủ ý và tránh giáo điều, khô khan. Tính liên kết giữa các câu và giữa các ý với nhau là điều bắt buộc để tránh sự rời rạc. Một bài văn dù bất cứ thể loại nào cũng luôn cần yếu tố lôi cuốn và văn phong nhẹ nhàng, có như vậy mới hấp dẫn. Bài văn nghị luận xã hội không đòi hỏi phải viết thật dài mà cần những dẫn chứng thật sắc sảo và thuyết phục. Một bài viết sâu sắc luôn cuốn hút người đọc và rất dễ đi vào lòng người.
Tuy nhiên để đạt điểm tốt bài làm văn của mình, các em phải thường xuyên rèn kỹ năng viết, tập viết văn những khi có thời gian rỗi… Nhưng trên hết, các em cần nhận rõ vẻ đẹp của ngôn ngữ; thấy được giá trị của văn học; đặc biệt có tâm hồn với văn học, yêu văn học. Có được những yếu tố trên, chắc chắn các em luôn đạt điểm cao môn văn, trong đó có điểm bài làm văn nghị luận xã hội.
Việc phân chia thời gian trong khi làm bài cũng là một yếu tố rất quan trọng để bài thi đạt điểm cao. Thời gian làm bài của cả đề văn là 120 phút, vì vậy phải cân đối giữa các phần và các câu để đảm bảo cân bằng về thời gian, tránh hiện tượng thiếu giờ làm bài.
Với câu viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần dành từ 20 đến 25 phút để làm bài. Khi viết, cần bám sát khung làm bài để tránh lan man, xa đề, lạc đề. Cần đặt vấn đề nghị luận ở câu nghị luận xã hội này trong mối quan hệ mật thiết với phần đọc hiểu để hiểu đúng vấn đề nghị luận.
Khi viết bài cần phải đảm bảo đủ nội dung (đủ ý) và cấu trúc bài viết (mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn). Trong trường hợp phần thân đoạn viết chưa hoàn chỉnh mà thời gian sắp hết, học sinh phải chuyển viết phần kết đoạn, có như vậy bài viết sẽ đảm bảo được cấu trúc, không bị trừ điểm.
Trình bày bài viết phải rõ ràng, sạch đẹp, không sai chính tả, ngữ pháp…