Sự cần thiết và vai trò của việc định hướng văn học
Trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, các phương tiện thông tin liên lạc ngày càng phát triển. Nhờ Internet, tốc độ kết nối toàn cầu trở nên nhanh chóng. Không ai có thể phủ nhận những lợi ích từ điều trên. Chính điều này đã tạo điều kiện giao lưu giữa các nền văn hóa. Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có sự giao thoa, tiếp biến các nền văn hóa đa dạng đến từ phương Đông đến phương Tây. Qua đó, nhiều quan niệm thẩm mỹ mới mẻ được hình thành. Những quan niệm này đem đến cho quần chúng cái nhìn mới mẻ hơn về nghệ thuật. Có không ít những quan điểm tiến bộ, phù hợp với thời đại. Nhưng bên
cạnh đó lại xuất hiện những quan niệm thẩm mỹ lệch lạc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Thêm nữa, với tính chất của nền kinh tế thị trường, văn chương cũng trở thành một món hàng hóa để mua bán, thu lợi nhuận. Một số tác giả hiện nay chỉ xem việc viết lách như một công cụ kiếm tiền. Họ chạy theo thị hiếu của số đông mà bỏ qua những chuẩn mực về cái đẹp. Những tác phẩm mang yếu tố sex được tung đầy trên thị trường văn học. Lại có những tác phẩm có nội dung ướt át, lãng mạn, chiều ý bạn đọc theo những mô- típ cũ rích, không hề mang tính sáng tạo. Thế mà phần lớn những tác phẩm mang tính chất như thế lại thu hút bạn đọc trẻ. Điều đó cho thấy một bộ phận bạn đọc trẻ hiện nay có thị hiếu không lành mạnh và quá dễ dãi trong việc tiếp nhận những tác phẩm văn học. Tuy nghệ thuật cần có sự tự do sáng tạo, nhưng tự do nào cũng phải có khuôn khổ của nó. Vì thế, việc định hướng sáng tác và tiếp nhận văn học cho tác giả và độc giả là rất cần thiết.
Việc định hướng văn học sẽ đem đến cho tác giả và độc giả văn học đương đại quan niệm thẩm mỹ đúng đắn, đưa họ trở về với cái chân, cái thiện, cái mỹ, thay vì chạy theo thị hiếu dễ dãi hay những quan điểm tiêu cực, lệch lạc. Việc định hướng văn học sẽ không khép một tác phẩm văn học vào trong khuôn khổ, mà sẽ tạo điều kiện để nhà văn phát huy sự sáng tạo của mình dựa trên những điều đúng đắn, phù hợp với xã hội, với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Ngoài ra, việc định hướng cũng sẽ giúp độc giả văn học đương đại nâng cao khả năng nhận thức và cảm thụ cái đẹp, từ đó nghiêm túc hơn trong việc tiếp nhận văn học và biết phê phán, bài trừ cái xấu xa, phản cảm. Vì thị hiếu người đọc tác động rất lớn đến việc sáng tác của tác giả, nên việc định hướng văn học không chỉ nhắm vào riêng những người sáng tác văn học, mà còn hướng đến những người tiếp nhận văn học.
Tác dụng định hướng của quan điểm nghệ thuật Nam Cao
Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao, với tính chuẩn mực đã được chứng minh, có thể dùng để góp phần định hướng cho văn học đương đại. Dù là nhà văn hiện thực của những năm 1930 – 1945 nhưng những quan điểm nghệ thuật của Nam Cao vẫn còn giá trị cho đến bây giờ. Những quan điểm của ông không trói buộc người sáng tác vào những khuôn vàng thước ngọc xưa cũ mà chỉ hướng họ quay về với những quan niệm đúng đắn để nhận ra giá trị đích thực của cái đẹp.
Biểu hiện của tính định hướng trong quan điểm nghệ thuật Nam Cao rất đa dạng. Trước hết, quan điểm nghệ thuật của ông giúp quần chúng nghệ thuật định hình tình cảm thẩm mỹ qua quá trình cảm thụ những tác phẩm văn học của ông. Những tác phẩm của Nam Cao thường khiến cho người đọc rung động bởi
những hiện thực mà ông đề cập trong tác phẩm của mình rất gần gũi và chân thật. Tuy giọng văn lạnh lùng đến dửng dưng, nhưng những truyện ngắn của Nam Cao lại giàu chất trữ tình,ấm áp, truyền cảm xúc cho người đọc. Ông đã mang những hình ảnh của chính mình vào trong câu chuyện với những cảm xúc tha thiết, chân thành. Ta có thể nhìn thấy phảng phất hình bóng của Nam Cao qua nhân vật Hộ trong “Đời thừa” với nguyên tắc tình thương và nguyên tắc văn chương, Điền trong “Giăng sáng” với sự suy tư, trăn trở về cái đẹp, ông giáo Thứ trong “Sống mòn” với những quan niệm về triết lý sống hay nhân vật Tri trong “Cái mặt không chơi được” với cuộc đời lận đận chỉ vì gương mặt không ưa nhìn. Những vấn đề ông nói đến trong tác phẩm là những vấn đề rất thiết thực, nó đánh động vào tâm lý người đọc, khiến người đọc dường như nhìn thấy chính mình trong câu chuyện, từ đó dễ dàng đồng cảm với nhân vật trong truyện hơn. Bên cạnh đó, cách thể hiện nội dung trong truyện của Nam Cao rất tinh tế và sáng tạo. Đọc bất kỳ tác phẩm nào của Nam Cao, ta sẽ thấy, ngôn ngữ mà ông sử dụng không quá cầu kỳ, kiểu cách với những ngôn từ hoa mỹ thường thấy trong văn học lãng mạn. Nhưng từng từ ngữ Nam Cao sử dụng lại rất chính xác và thỏa đáng. Đọc truyện Nam Cao và so sánh với các nhà văn thời bấy giờ, ta sẽ thấy ngôn ngữ Nam Cao là ít lỗi thời nhất. Chính vì vậy, nó tạo được sức hấp dẫn đối với cả độc giả thời nay. Chính những điều trên đã tạo được tình cảm thẩm mỹ với người đọc.
Cái đẹp thì đa dạng và biến hóa khôn lường. Với Nam Cao, để phát hiện ra cái đẹp trong biểu hiện muôn hình vạn trạng của nó, cần phải nhìn đời với đôi mắt của tình thương, và cần một tâm hồn tinh tế để nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn được cất giấu trong chiều sâu của hiện thực. Trong truyện ngắn “Đôi mắt”, khi nói về nhân vật Hoàng, Nam Cao viết: “Anh đã quen nhìn đời và nhìn người một phía thôi. Anh trông thấy anh thanh niên đọc thuộc lòng bài "ba giai đoạn" nhưng anh không trông thấy bó tre anh thanh niên vui vẻ vác đi để ngăn quân thù. Mà ngay trong cái việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài báo như một con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bề ngoài của nó mà không nhìn thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong. Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.” Như vậy, cái nhìn của Hoàng là cái nhìn lệch lạc, phiến diện. Và Hoàng đã nhìn người nông dân cũng bằng cái nhìn ấy. Trong mắt Hoàng, hình ảnh người nông dân hiện lên thật méo mó. Hoàng chỉ thấy họ tăm tối, ngu dốt mà không nhìn thấy được vẻ đẹp tâm hồn và sức mạnh tiềm ẩn nơi họ. Và với cái nhìn ấy, Hoàng không thấy được cái đẹp, mà chỉ thấy được những điều bất hợp lý ở những người nông dân, những thanh niên làm cách mạng. Điều này tương tự
như điều Francois Coppée đã nói: “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ. Và nước mắt là tấm kính làm biến hình vũ trụ.”
Từ việc hình thành tình cảm thẩm mỹ cho quần chúng nghệ thuật, quan điểm nghệ thuật của Nam Cao tạo cho họ quan niệm thẩm mỹ đúng đắn. Trước hết là giúp họ có những quan niệm về chuẩn mực. Tuy chuẩn mực đối với mỗi người mỗi khác, nhưng quan điểm nghệ thuật của Nam Cao đã đưa ra những chuẩn mực chung nhất đối với nghệ thuật. Về hình thức, ngôn ngữ truyện Nam Cao phong phú, đa dạng. Ông rất chú ý khai thác tiếng nói hằng ngày của người dân, sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội chuẩn xác. Nhờ đó, ngôn ngữ truyện Nam Cao được đánh giá là có tính chuẩn mực của ngôn ngữ văn học dân tộc.
Về nội dung, truyện ngắn của Nam Cao có tính toàn diện và sâu sắc. Ông thể hiện một con người không chỉ ở vẻ bề ngoài của họ mà còn ở nội tâm sâu sắc và đầy biến động. Ông là nhà văn đầu tiên đề cập đến bi kịch tha hóa của người nông dân bấy giờ qua tác phẩm “Chí Phèo” và cũng là nhà văn đầu tiên nói lên bi kịch tinh thần của người trí thức đương thời thông qua “Đời thừa”. Qua đó, Nam Cao cũng thể hiện được sự hoàn thiện về mặt thẩm mỹ trong sáng tác. Ông nhìn vào hiện thực bằng cái nhìn toàn diện và sâu sắc chứ không phiến diện, xuôi chiều. Vì thế nên ông mới có thể phơi bày hiện thực không chỉ ở chiều rộng mà còn ở chiều sâu. Ông rất chú trọng khai thác nhân vật ở chiều sâu tâm lý của họ. Ta có thể thấy được điều này ở ông qua một đoạn trích miêu tả tâm trạng Chí Phèo sau khi tỉnh rượu: “Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng hắn đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc, hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tý. Hắn sợ rượu cũng như người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!” Chỉ là tiếng chim hót, là âm thanh chợ búa, là tiếng gõ mái chèo, nhưng khi Chí tỉnh rượu thì những âm thanh ấy lại có một sức tác động lớn đến tâm hồn Chí. Cái tinh tế của Nam Cao là ở chỗ, cũng là những âm thanh ấy quen thuộc ấy nhưng khi say và khi tỉnh, Chí Phèo lại có cảm nhận khác nhau.
Từ những quan niệm về chuẩn mực, quan điểm nghệ thuật Nam Cao giúp quần chúng nghệ thuật tìm được lý tưởng thẩm mỹ. Từ đó, khiến họ biết đòi hỏi sự hoàn mỹ trong nghệ thuật, phê phán những tác phẩm nghệ thuật qua loa, cẩu thả, biết nhận ra đâu là cái tốt đẹp, biết phê phán cái xấu. Khi độc giả có cái nhìn nghiêm túc đối với những tác phẩm văn học thì các tác giả cũng không sao cẩu thả trong văn chương được nữa.
Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao cũng giúp các nhà văn hình thành năng lực sáng tạo. Với Nam Cao nhà văn phải biết “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có.” Bằng quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh, Nam Cao tạo cho tác giả đương đại lòng mong muối đem cái đẹp vào đời sống, thôi thúc họ rèn luyện để có khả năng đem cái đẹp đến gần với cuộc sống hơn. Như nhân vật Điền trong “Giăng sáng”, sau bao nhiêu tháng ngày theo đuổi cái đẹp duy mỹ, anh đã từ bỏ nó để trở về với hiện thực. “Sáng hôm sau, Điền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.”
Bên cạnh việc tạo lòng yêu cái đẹp, quan điểm nghệ thuật Nam Cao tạo cho tác giả văn học đương đại thái độ phê phán đối với cái xấu. Trước hết, nhà văn phải tự đấu tranh để loại bỏ những cái xấu, cái tiêu cực trong tâm hồn. Có thế thì mới loại bỏ được những cái phi thẩm mỹ trong văn chương. Con người của một nhà văn thể hiện qua những gì anh ta viết. Tác phẩm của một nhà văn không thể hướng con người ta đến chân, thiện, mỹ khi tâm hồn nhà văn vẩn đục. Nam Cao với một tấm lòng trong sáng, tình yêu thương bao la đối với con người, tinh thần nhân đạo cao cả, là một tấm gương cho các nhà văn đời sau noi theo.
Ưu điểm của quan điểm nghệ thuật Nam Cao
Trong việc định hướng tiếp nhận văn học, quan điểm nghệ thuật Nam Cao có rất nhiều ưu điểm. Trước hết, nó giúp độc giả có được thị hiếu văn chương vừa mới mẻ, vừa phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục. Thông qua việc khẳng định những giá trị thật sự của nghệ thuật, Nam Cao đã cho người đọc một tầm nhìn mới, giúp họ nâng cao tri thức văn chương, từ đó khiến họ tỉnh táo hơn khi đọc những tác phẩm văn chương thị trường. Họ sẽ không còn bị ru ngủ trong ảo tưởng của chính mình, mà sẽ thoát khỏi nó để nhận ra đâu là tác phẩm văn chương chân chính. Họ sẽ không còn dễ dãi đối với những tác phẩm văn học hiện giờ, mà sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn.
Việc nâng cao thị hiếu người đọc đồng thời cũng tác động đến những tác giả văn học đương đại. Họ buộc phải lao động cật lực hơn, tỉ mỉ và trao chuốt và sáng trong tác phẩm của mình hơn cũng như giảm đi những yếu tố câu khách. Được như thế thì nền văn học đương đại Việt Nam mới có thể phát triển trong sạch và vững mạnh, quẩn chúng nghệ thuật Việt Nam mới có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng của nền văn học nước nhà.
KẾT LUẬN
“Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu,biết tìm tòi,khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.Thật đúng như lời bộc bạch của Nam Cao ,qua suy nghĩ của nhân vật Hộ trong “Đời thừa”.Sẽ vô cùng tẻ nhạt nếu giới văn chỉ sáng tạo theo một mẫu nhất định,một lối mòn chỉ đi theo thị hiếu mà thiếu chiều sâu chân thật,không nói lên được những giá trị tốt đẹp của con người,của cuộc đời.Chính vì thế mà Nam Cao đã tự tìm một lối đi cho mình,một lối đi không đặc biệt,không lạ nhưng sức ảnh hưởng không chỉ qua một thời đại mà bất cứ thời đại nào cũng cần nên quan tâm ,đó là một sự định hướng để tạo phong cách sáng tác cho bản thân mỗi nhà văn.
Có thể nói,Nam Cao là một nhà văn chuyên viết về những chuyện đời thường vụn vặt,những mảnh đất của sự tha hóa,ở đó con người đã bộc lộ sự xấu tốt của mình đầy hiện thực như bản chất vốn có của nó.Chất văn đầy cay đắng nhưng cũng hàm chứa biết bao sự thương yêu,đồng cảm cho những số phận Nam Cao viết,nhưng chính những điều đó đã làm nên một phong cách sáng tác,một con người làm nghệ thuật mà qua bao nhiêu năm tháng nếu không tìm hiểu rõ thì nền văn học nước nhà lại thiếu đi một thước đo định hướng sáng tác đúng đắn.
Những điều may mắn đã không đến với Nam Cao,cũng như nó đã từ chối gặp mặt các nhân vật của ông.Nam Cao không sống để nhận biết rằng có biết bao con người đã phải nghiêng mình trước tài năng của ông,ông sống để nhận biết hiện thực và viết về nó .Nhưng chắc rằng những gì ông làm sẽ mãi mãi là một dấu ấn rất riêng,dấu ấn Nam Cao mà những thế hệ về sau vẫn phải học tập và ghi nhớ đến.