Hiện trạng khai thác làng nghề truyền thống cho hoạt động du lịch

Một phần của tài liệu du lịch các làng nghề thủ công truyền thống ở huyện phú vang, tỉnh thừa thiên huế (Trang 42 - 45)

- Giai đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu + Rượu:

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG TRUYỀN THỐNG

3.1.2. Hiện trạng khai thác làng nghề truyền thống cho hoạt động du lịch

Làng nghề truyền thống Phú Vang đã và đang góp phần phát triển cho hoạt động du lịch của thành phố. Hiện nay các tour du lịch đến với làng nghề nhiều hơn trước, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng và tập trung khai thác các tour du lịch về với làng nghề truyền thống. Trong đó, có một số làng nghề tiêu biểu đã thu hút được nhiều khách du lịch tới thăm như: Nghề làm tranh làng Sình, nghề làm hoa giấy làng Thanh Tiên... Trong đó khách du lịch tới thăm các làng nghề chủ yếu là khách du lịch quốc tế, phần lớn là khách Châu Âu, và khách du lịch tàu biển.

Gần đây, sự hình thành các tour du lịch trải nghiệm vùng đầm phá được đánh giá là một loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn, thích hợp với các đối tượng khách thích loại hình du lịch sinh thái, tìm hiểu cuộc sống của người dân và bản sắc văn hoá địa

phương, vùng, miền. Tuy nhiên mới ở giai đoạn hình thành nên người dân chưa có nhiều kiến thức về du lịch và kỹ năng đón tiếp du khách.

Để tạo tiền đề về kỹ năng đón tiếp du khách, vừa qua công ty Lữ hành Hương Giang, Huetourist đã phối hợp với Ủy Ban Nhân Dân xã Phú Mậu, huyện Phú vang (Thừa Thiên Huế) tổ chức tập huấn làm du lịch cho người dân làng nghề Phú Mậu bao gồm những người thợ, người nông dân làng nghề chuyên làm hoa giấy, trồng hoa của Thanh Tiên và những nghệ nhân làm tranh làng Sình được hiểu biết về du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, về cách làm du lịch, cách trình diễn giới thiệu nghề với khách.

Với mục đích, lợi ích của loại hình du lịch dựa vào cộng đồng gắn với trách nhiệm của người dân địa phương là tạo thêm sản phẩm du lịch mới, giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ của địa phương, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Để hình thành tuyến du lịch mới về làng nghề Phú Mậu, những doanh nghịêp du lịch đã phối hợp với chính quyền địa phương và đặc biệt là những người dân, nghệ nhân tâm huyết với nghề, phát triển nghề cùng nhau thảo luận, khảo sát thực tế để chọn điểm đến trong tuyến du lịch. Không ai khác mà chính người dân làng nghề là chủ nhân, là linh hồn của tuyến du lịch sẽ mang đến cho du khách những nét văn hoá truyền thống, những phong tục, lối sống, giới thiệu về những di tích danh thắng địa phương; hoặc thao tác trình diễn giới thiệu về nghề truyền thống của mình.

Thanh Tiên, làng Sình ở Phú Mậu là những làng nghề truyền thống có tiếng của Thừa Thiên Huế với nghề làm hoa giấy và vẽ tranh mộc bản. Với những nét đẹp truyền thống của một làng quê cuối dòng Hương, cùng với những điểm di tích danh thắng nơi đây sẽ tạo nên tuyến du lịch lý tưởng để giới thiệu đến du khách, tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng mới cho du lịch Thừa Thiên Huế. Bao ấp ủ tâm huyết của các nhà làm du lịch ở Huế trong những năm qua, họ đang từng bước cùng người dân làng nghề nơi đây xây dựng một tuyến du lịch mới. Công ty Lữ hành du lịch Hương Giang đã giúp cho người dân làng nghề cách thức làm du lịch như: hình thức giao tiếp đón khách; các vấn đề về môi trường tại các điểm đón khách; phương pháp thuyết minh tại điểm du lịch; phương pháp tiếp cận cộng đồng tại các làng nghề; sự hợp tác giữa cộng đồng trong từng làng nghề, cũng như thống nhất một số vấn đề về giá dịch vụ, lộ trình, chọn mô hình phù hợp trong tuyến du lịch làng nghề mà chính họ là những chủ nhân. Đây sẽ là cơ sở quan trọng ban đầu nhằm hướng đến hoàn chỉnh tuyến du lịch làng nghề truyền thống tại Phú Mậu, tạo

sản phẩm du lịch mới trong tương lai mà chính người dân làng nghề sẽ là chủ nhân. Theo thiết kế lộ trình mở, tour sẽ bắt đầu xuất phát bằng thuyền rồng hoặc chèo thuyền từ bến Toà Khâm qua Cồn Hến, phố cổ Bao Vinh, cập bến Tiên Nộn (hoặc làng Sình). Sau đó đi bằng xe máy (hoặc xe đạp) vào làng nghề; tham quan làng quê, tìm hiểu cuộc sống người dân, nghề trồng hoa, xem trình diễn nghề, và thăm một vài di tích như đình làng, chùa cổ…Tiếp đó lên ô tô để đưa những du khách sau chuyến khám phá thú vị về lại thành phố.

Cùng với làng nghề truyền thống ở Phú Mậu, huyện Phú Vang còn có một số làng nghề cần đưa vào tuor, tuyến du lịch như tour du lịch sinh thái đầm phá từ Thuận An về Vinh Hà, làng đan lát Hà Thanh-Vinh Thanh, làng chế biến nấm Phú Lương, làng chằm nón Phú Hồ, rượu gạo làng chuồn…. Tất cả các điểm đến này sẽ góp phần làm đa dạng thêm sản phẩm cho ngành du lịch Phú Vang nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa khai thác tiềm năng phong phú và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.

Các tour du lịch này đã được đưa vào khai thác, ngoài việc du khách được tham quan các giá trị văn hoá lịch sử trên địa bàn của mỗi xã, huyện thì khách du lịch còn có thể tham quan các làng nghề truyền thống, cũng như việc trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất của mỗi làng nghề, để có thể trải nghiệm với cuộc sống dân dã của người dân. Sự kết hợp các tour du khảo đồng quê với việc tham quan các làng nghề truyền thống thực sự sẽ tạo ra sự hấp dẫn đối với du khách.

Để có thể thấy rõ hơn về thực trạng khai thác các làng nghề truyền thống cho hoạt động du lịch của Phú Vang trong thời gian qua, một số làng nghề truyền thống như tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên... đã khai thác các làng nghề truyền thống này cho hoạt động du lịch như sau:

Do sản phẩm du lịch nghèo nàn, hoạt động tiếp thị quảng cáo chưa đem lại hiệu quả cao, hơn thế nữa cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch còn yếu, thiếu. Nên du lịch của làng nghề không tạo được sức hút. Khách đến làng nghề hầu như không có chỗ tiêu tiền. Mức chi tiêu trung bình của khách nội địa và khách quốc tế là rất thấp. Vì vậy doanh thu từ hoạt động du lịch của làng nghề cũng chiếm một tỷ trọng khá khiêm tốn.

Việc khách du lịch tới tham các các làng nghề truyền thống Phú Vang không những góp phần cho hoạt động du lịch phát triển mà nó còn quảng bá được hình ảnh của Thừa Thiên Huế thông qua mỗi sản phẩm thủ công truyền thống. Song các sản phẩm thủ công truyền thống của Phú Vang lại chưa bán được nhiều cho khách du

lịch. Bởi mỗi sản phẩm thủ công của mỗi làng nghề vẫn chưa mang được những nét riêng, đặc trưng của vùng miền. Trong đó là hàng hoa giấy Thanh Tiên, những hàng thủ công mỹ nghệ còn quá đơn điệu, và hầu như giống các sản phẩm khác của các làng nghề khác trên cả nước. Ngoài ra hiện nay các sản phẩm này đã được sản xuất nhiều bằng các máy móc, công nghiệp hiện đại, giá rẻ hơn rất nhiều. Do vậy hàng thủ công của Thừa Thiên Huế nói chung và Phú Vang nói riêng dường như chưa thu hút được khách du lịch. Việc chi tiêu cho hoạt động mua sắp của khách du lịch tại mỗi làng nghề còn tương đối thấp. Khách du lịch Châu Âu và khách du lịch tàu biển là lượng khách đến thăm các làng nghề này tương đối nhiều, song việc mua các sản phẩm ở những nơi đây hầu như không có. Vì vậy việc cải tiến mẫu mã sản phẩm và tìm một hướng đi đúng cho mỗi sản phẩm nơi đây đang là một câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp, các cấp lãnh đạo và những người làm trong hoạt động du lịch nói chung.

Một phần của tài liệu du lịch các làng nghề thủ công truyền thống ở huyện phú vang, tỉnh thừa thiên huế (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w