Thực hành canh gác.

Một phần của tài liệu Giáo trình chiến thuật từng người trong chiến đấu (Trang 40 - 42)

Là hành động quan trọng nhất, yếu tố quyết định đến sự hoàn thành nhiệm vụ của chiến sĩ. Do vậy khi thực hành canh gác phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc chức trách, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị.

* Hành động khi canh gác.

- Chiến sĩ phải luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đây là yêu cầu rất cao đòi hỏi người chiến sĩ không được lơ là bất kỳ lúc nào, không bỏ sót một hiện tượng nào trong khi canh gác.

- Khéo léo lợi dụng địa hình, địa vật xem xét, nghe ngóng, theo dõi mọi hiện tượng nghi ngờ về địch phía trước và xung quanh. Đặc biệt chú ý theo dõi những địa hình, địa vật thay đổi, những nơi địch dễ lợi dụng đến gần hoặc vượt qua nơi canh gác. Theo dõi những người lạ mặt đi lại trong khu vực canh gác.

* Một số tình huống và cách xử trí khi canh gác.

- Khi phát hiện tên địch : Bình tĩnh theo dõi nắm chắc hành động của địch (âm mưu, thủ đoạn...) báo cáo kịp thời lên cấp trên. Nếu có một tên địch thì tìm mọi cách bắt sống. Trường hợp không bắt sống được mới dùng súng để tiêu diệt. Nếu địch nhiều phải hành động theo đúng kế hoạch của trên đã quy định.

- Khi địch bắt ngờ nổ súng trước : Phải hết sức bình tĩnh, dũng cảm nổ súng đánh trả, kiên quyết tiêu diệt, ngăn chặn, kiềm chế địch để đơn vị xử trí kịp thời.

- Khi có người qua lại : Phải lợi dụng nơi kín đáo theo dõi thái độ và hành động của người đó. Khi buộc phải giữ lại để xét hỏi phải luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nếu không có gì khả nghi thì thái độ phải nhã nhặn giải thích cho họ hiểu. Nếu nghi ngờ phải giữ lại, báo cáo cấp trên để giải quyết.

- Khi đội tuần tra đi qua (vào, ra vọng gác) phải kiểm tra mật khẩu, rồi báo cáo tình hình mà mình phát hiện được phía trước, xung quanh khu vực canh gác để đội tuần tra nắm.

- Khi gặp các phân đội ra, vào khu vực đóng quân : Phải kiểm tra mật khẩu, nắm số lượng, phiên hiệu đơn vị và tên người chỉ huy đơn vị đó, thời gian đi và về... nếu đúng phân đội của ta thì cho đi. Nếu nghi ngờ thì giữ lại, báo cáo cấp trên để giải quyết.

2.4.5. Hành động sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thông báo tình hình quá trình canh gác, tình hình cụ thể thời điểm bàn giao gác và dự kiến một số tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới cần lưu ý... cho người nhận gác sau mình. Nếu quá trình đang bàn giao gác có tình huống xảy ra, tự mình hoặc cùng đồng đội giải quyết. Sau đó kiểm tra súng đạn, trang bị theo đường quy định về đơn vị. Khi về đến đơn vị phải báo cáo tình hình trong khi làm nhiệm vụ canh gác cho cấp trên phái ra biết.

KẾT LUẬN

Giáo trình huấn luyện “cá nhân và tổ bộ binh trong chiến đấu” tập trung nghiên cứu, giải quyết các nội dung chủ yếu được đề cập trong tài liệu bao gồm : Các tư thế động tác cơ bản trong chiến đấu ; cá nhân trong chiến đấu tấn công, phòng ngự ; tổ bộ binh trong chiến đấu tiến công, phòng ngự và làm một số nhiệm vụ khác.

Giáo trình đi sâu phân tích một số yêu cầu chiến thuật của từng nội dung đã được xác định trong tài liệu ; đồng thời đưa một số kinh nghiệm chiến đấu trong chống Pháp, chống Mỹ dẫn chứng, chứng minh làm sáng tỏ nội dung. Giải quyết sắp xếp trình phần tư thế động tác ; hành động chiến sĩ trong chiến đấu tiến công, phòng ngự. Cụ thể hóa một bước về nguyên tắc chỉ đạo hành động của tổ trưởng và hành động các chiến sĩ từ khi nhận nhiệm vụ, giao nhiệm vụ, thực hành chiến đấu tiến công, phòng ngự đến sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu huấn luyện, chiến đấu trên mọi địa hình cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng chiến thuật cá nhân, tổ ở những địa hình phức tạp khác như vùng có nhiều kênh rạch.

Tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ, tổ thành thạo tư thế động tác, hành động chiến đấu, vận dụng tốt trong mọi điều kiện địch, địa hình.

Một phần của tài liệu Giáo trình chiến thuật từng người trong chiến đấu (Trang 40 - 42)