Trung Sơn ở Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh dành cho Tôn Trung Sơn sự kính trọng và sự đồng cảm sâu sắc. Khi so sánh chủ nghĩa Mác-Lênin với chủ nghĩa Tam dân, Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin có ưu điểm là phương pháp làm việc
biện chứng, chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện Việt Nam. Qua đó, có thể thấy, Hồ Chí Minh đánh giá cao những mặt tích cực của chủ nghĩa Tam dân, và trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa tam dân chiếm một vị trí quan trọng. Nói cách khác, chủ nghĩa Tam dân đã có sự ảnh hưởng đến tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong thời gian ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với rất nhiều hệ tư tưởng, rất nhiều chủ nghĩa và học thuyết cách mạng khác nhau. Hồ Chí Minh luôn đứng từ góc độ dân tộc, từ điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam để tiếp thu các học thuyết và hệ tư tưởng bên ngoài. Do vậy, Hồ Chí Minh đã lựa chọn, chắt lọc những yếu tố phù hợp để vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam. Đối với tư tưởng Tôn Trung Sơn và Chủ nghĩa Tam dân cũng vậy, Hồ Chí Minh đã tiếp thu những yếu tố phù hợp trong chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân quyền và chủ nghĩa dân sinh của Tôn Trung Sơn để vận dụng vào điều kiện Việt Nam.
Tiểu kết chương 4
Có thể thấy, tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn chứa đựng những giá trị và ý nghĩa không chỉ đối với thực tiễn cách mạng Trung Quốc giai đoạn cận đại, mà còn có giá trị và ý nghĩa hiện thời. Có thể khái quát những giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn thành 3 nhóm như sau:
Thứ nhất, giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn
trên phương diện thế giới quan. Với bất kỳ tư tưởng triết học hay hệ thống triết học nào thì vai trò thế giới quan, phương pháp luận sẽ khẳng định giá trị và ý nghĩa của hệ thống triết học đó. Tư tưởng triết học của Tôn Sơn, như đã trình bày ở trên đã có khuynh hướng của chủ nghĩa duy vật, là sự kế thừa chủ nghĩa duy vật chất phác trong triết học Trung Quốc cổ đại, đồng thời chịu ảnh hưởng từ những thành tựu của khoa học, kỹ thuật hiện đại. Trong
việc giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, tư tưởng của Tôn Trung Sơn cũng chứa đựng yếu tố biện chứng. Ông đã có đóng góp trong việc khẳng định vai trò của yếu tố tinh thần đối với vật chất. Có thể nói, những nhân tố hợp lý trong tư tưởng của Tôn Trung Sơn có giá trị thế giới quan và phương pháp luận, điều này càng có ý nghĩa hơn khi tư tưởng của ông trong giai đoạn cận đại Trung Quốc.
Thứ hai, giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn trên
phương diện nhận thức luận. Bên cạnh có những giá trị về phương diện thế giới quan, phương pháp luận, tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn cũng có giá trị và ý nghĩa trên khía cạnh nhận thức luận. Thông qua học thuyết “tri nan hành dị” Tôn Trung Sơn tiếp tục làm rõ hơn vấn đề mối quan hệ giữa “tri” và “hành”, hay lý luận và thực tiễn. Đây là vấn đề đã được nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc đề cập, tuy nhiên với sự lý giải của Tôn Trung Sơn qua thuyết “tri nan hành dị”, Tôn Trung Sơn đã nhấn mạnh vai trò của “tri” hay vai trò của lý luận. Để có được tri thức, có được lý luận thì rất khó. Theo ông, muốn “hành” thì phải nắm được “tri”. Đó chính là những điểm cốt lõi trong tư tưởng của Tôn Trung Sơn thể hiện qua thuyết “tri nan hành dị”. Quan trọng hơn, Tôn Trung Sơn đã luận giải thuyết “tri nan hành dị” theo quan điểm duy vật và manh nha hướng đến tư tưởng “thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý”.
Thứ ba, giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn trên
phương diện thực tiễn. Trong nội dung này, đề tài luận án đã phân tích ý nghĩa, vai trò chỉ đạo, định hướng thực tiễn cách mạng Trung Quốc thời kỳ cách mạng dân chủ kiểu cũ và thời kỳ cách mạng dân chủ kiểu mới của tư tưởng Triết học Tôn Trung Sơn. Rõ ràng, tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn đã góp phần tạo nên những thành công của thực tiễn cách mạng Trung Quốc lúc đó.
Ngoài những ý nghĩa, ảnh hưởng nêu trên, tư tưởng Tôn Trung Sơn nói chung, tư tưởng triết học của ông nói riêng còn có sự ảnh hưởng đối với cách mạng Việt Nam và Hồ Chí Minh. Mặc dù có những giá trị và ý nghĩa to lớn cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn không tránh khỏi những hạn chế nhất định do Tôn Trung Sơn chịu ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử cũng như chịu tác động của lập trường giai cấp.
KẾT LUẬN
Tôn Trung Sơn (1866 - 1925) không chỉ là một lãnh tụ của Cách mạng Tân Hợi, mà còn là một nhà tư tưởng. Là một cá nhân xuất sắc, lại được hấp thụ hai nền giáo dục nho giáo và nền giáo dục phương Tây, được tiếp xúc với tư tưởng, văn minh phương Tây thông qua các tác phẩm về dân chủ, tự do, bình đẳng, v.v. đã hình thành nên những tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn. Chủ nghĩa Tam dân do Tôn Trung Sơn xây dựng là sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống Trung Hoa và tinh thần thời đại, là đỉnh cao tư tưởng của Tôn Trung Sơn. Dân tộc, Dân quyền, Dân sinh đó là mục tiêu mà Tôn Trung Sơn theo đuổi trong suốt cuộc đời chính trị của ông - một minh chứng trí tuệ cho tất cả các hoạt động chính trị của ông.
Nghiên cứu tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn chúng ta có thể thấy những tư tưởng này không chỉ là những tư tưởng triết học chính trị - xã hội được biểu hiện rõ nét trong Chủ nghĩa Tam dân, mà còn là những tư tưởng về triết học tự nhiên, tư tưởng về nhận thức luận… Những tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn được hình thành trên những điều kiện, bối cảnh xã hội Trung Quốc giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Những tiền đề lý luận cho sự hình thành tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn mà luận án đã chỉ ra gồm có: Những quan niệm về quốc gia, dân tộc, nhà nước trước Tôn Trung Sơn; những quan niệm về dân quyền của các nhà tư tưởng trước
Tôn Trung Sơn; những quan niệm về dân sinh trước Tôn Trung Sơn; những tiền đề khoa học và triết học phương Tây.
Những nội dung cơ bản trong tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn như tư tưởng triết học tự nhiên, nhận thức luận, tư tưởng triết học chính trị - xã hội đã được làm rõ ở chương 3. Đối với tư tưởng triết học tự nhiên, luận án trình bày và phân tích các nội dung như nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ, mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần. Về nhận thức luận, luận án trình bày tư tưởng Tôn Trung Sơn về vấn đề “tri” (biết) và “hành” (làm), cũng như mối quan hệ giữa tri và hành. Đối với tư tưởng triết học chính trị - xã hội, luận án phân tích tư tưởng dân chủ, tự do và bình đẳng trong Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn.
Qua nghiên cứu tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn, chúng ta nhận thấy rằng, những tư tưởng triết học của ông chứa đựng những giá trị và ý nghĩa không chỉ đối với thực tiễn cách mạng Trung Quốc giai đoạn cận đại, mà còn có giá trị và ý nghĩa hiện thời. Giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn đã được trình bày ở chương 4. Trong đó, luận án tập trung nhấn mạnh đến 3 nhóm giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn: Thứ nhất, giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn trên phương diện thế giới quan; thứ hai, giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn trên phương diện nhận thức luận; thứ ba, giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn trên phương diện thực tiễn.
Giá trị và ý nghĩa tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn còn thể hiện ở chỗ ảnh hưởng đến phong trào cách mạng của khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam, khi mà các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nổ ra mạnh mẽ nhưng đang lâm vào bế tắc vì không tìm được con đường đúng đắn, thì sự thành công của cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo như một làn gió mới thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong mỗi con người Việt Nam yêu
nước. Đồng thời, nó cũng mở ra con đường mới, lối thoát mới cho phong trào cách mạng Việt Nam, cổ vũ, khích lệ cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến và thực dân Pháp. Lúc đó, rất nhiều nhà yêu nước Việt Nam mà điển hình là Phan Bội Châu và những người bạn của ông đã tìm cách tiếp xúc với cách mạng Trung Quốc, với các tổ chức cách mạng của Tôn Trung Sơn, nhằm tìm cách giúp đỡ cho cách mạng Việt Nam. Phan Bội Châu đã trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với Tôn Trung Sơn. Đồng thời, qua các tài liệu về Chủ nghĩa Tam dân, về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân quyền, chủ nghĩa dân sinh, v.v., Phan Bội Châu và những người bạn của ông đã có sự chuyển biến về tư tưởng, từ đó có những chuyển biến trong hành động đấu tranh cách mạng.
Giống như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,... Hồ Chí Minh cũng là một nhà yêu nước và có khao khát mãnh liệt tìm con đường cứu nước trong bối cảnh Việt Nam khủng khoảng về con đường cứu nước. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhất là thời gian hoạt động ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến cách mạng Trung Quốc, đến Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Hồ Chí Minh nhận thấy ở đó có những điểm tích cực, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bản thân Hồ Chí Minh cũng dành cho Tôn Trung Sơn sự kính trọng và sự đồng cảm sâu sắc. Trên cơ sở những ảnh hưởng của tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh đã có sự kế thừa, phát triển tư tưởng triết học Tôn Trung Sơn và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cách mạng Việt Nam.
Có thể nói, tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn và Chủ nghĩa Tam dân của ông nói riêng qua sự tiếp thu của Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã góp phần hình thành nên đường lối, chiến lược, chính sách của cách mạng Việt Nam, tạo nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mặc dù có những giá trị và ý nghĩa to lớn cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, song tư tưởng triết học của Tôn Trung Sơn cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, đặc biệt là do ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử cũng như lập trường giai cấp của Tôn Trung Sơn.