Theo tiêu chuẩn CAP (The College of American Pathologists standards) hầu hết các trường hợp sinh thiết tức thì nên được tiến hành cắt và cho ra tiêu bản trong vòng 15 phút và đọc kết quả trong vòng 20 phút [4].
5.1. Quy trình nhận bệnh phẩm
• Bệnh phẩm sau khi lấy ra từ bệnh nhân được gửi ngay đến khoa giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học.
• KTV giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học tiếp nhận, ghi các thông tin về người bệnh và mã số người bệnh vào sổ tiếp nhận.
• Ghi mã số của người bệnh vào phiến kính và dán mã số vào hộp đựng bệnh phẩm.
5.2. Cắt lọc bệnh phẩm
• Bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát bệnh phẩm, mô tả kỹ về đại thể: loại bệnh phẩm, số lượng, đo kích thước, màu sắc, tính chất, mặt cắt… của bệnh phẩm, xác định vùng tổn thương cần lấy mẫu cắt lạnh. • Động tác lấy bệnh phẩm phải nhẹ nhàng, tránh gây dập nát hay biến
đổi do tác động cơ học.
• Không kẹp vào vùng định lấy mẫu xét nghiệm, không rửa mẫu mô. • Dùng dao sắc cắt theo một hướng, sao cho đường cắt gọn, không bị
dập nát.
• Kích thước của mảnh mô được cắt tùy theo kích thước của mâm đặt bệnh phẩm của máy cắt lạnh, thông thường kích thước 1x1x0,2 cm [9].
• Số lượng mảnh cắt phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ giải phẫu bệnh.
5.3. Tiến hành cắt lạnh và nhuộm mô
• Làm lạnh và tạo khuôn: Định hướng mẫu bệnh phẩm trên mâm đúc lạnh rồi phủ gel, sau đó đưa ngay vào vị trí tương ứng trên thanh làm lạnh trong buồng làm lạnh của máy. Khi khối mô bắt đầu đông, xoay khối khối làm lạnh nhanh đặt lên trên mâm chứa bệnh phẩm rồi đóng kín cửa kính phía trên buồng máy, chờ cho đến khi khối bệnh phẩm đông cứng hoàn toàn.
• Mẫu mô sau khi đã đông cứng bắt đầu cắt phá với độ dày từ 10 – 15 µm để tạo mặt phẳng, sau đó điều chỉnh độ dày lát cắt từ 2 – 5 µm [9]. Quay tay với nhịp độ vừa phải thành những lát mỏng đều.
• Kết hợp với chổi lông mềm dàn mảnh mô lên phiến kính. Mảnh cắt sẽ được gắn vào phiến kính nhờ lực hút tĩnh điện.
• Cố định mảnh mô: Sau khi lát cắt được dàn lên phiến kính, phải được cố định ngay bằng cách nhúng nhanh qua cồn tuyệt đối để bảo toàn tối đa cấu trúc mô và tế bào và bắt màu thuốc nhuộm tốt.
So với các dung dịch cố định khác như formol, các tiêu bản cố định bằng cồn sau khi nhuộm bắt màu nhân rõ và sắc nét hơn [3].
• Nhuộm mảnh mô: Có nhiều loại thuốc nhuộm khác nhau, mỗi loại có tính chất bắt màu nhân và bào tương khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện của từng cơ sở giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học để sử dụng phương pháp nhuộm phù hợp. Tuy nhiên, do yêu cầu của cắt lạnh để chẩn đoán nhanh, thời gian nhuộm ngắn, nên thường sử dụng các phương pháp nhuộm nhanh với thời gian từ vài chục giây đến 2 phút như H&E, xanh Toluidine, Diff – Quick… [9].
• Sau khi đã lấy đủ bệnh phẩm cho cắt lạnh, cố định phần bệnh phẩm còn lại trong formol 10% sau cắt lạnh (để cắt, nhuộm thường quy và đối chiếu với chẩn đoán cắt lạnh hoặc nhuộm đặc biệt nếu cần thiết). • Vệ sinh dụng cụ và máy cắt lạnh.
Hình 5.1: Cắt và dán mảnh mô cắt lạnh
5.4. Kết quả
Mảnh cắt mỏng, phẳng, không bị nhăn hay gấp, bắt màu thuốc nhuộm rõ và đồng đều, độ tương phản tốt, dựa vào kết quả tiêu bản và đối chiếu lâm sàng, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ đưa ra được chẩn đoán và hướng xử lí tốt nhất cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật điều trị.
Kết quả xét nghiệm sinh thiết tức thì sẽ được thông báo trực tiếp qua điện thoại nhằm rút ngắn thời gian tối đa và được cập nhật vào hệ thống lưu trữ sau đó.