Nội dung phát triển đội ngũ Hiệu trưởng tiểu học

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ hiệu trưởng các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện lâm bình tỉnh tuyên quang (Trang 32 - 36)

Để đạt được mục tiêu nêu trên, phát triển đội ngũ Hiệu trưởng tiểu học cần bao gồm các hoạt động chủ yếu sau:

1.3.2.1. Quy hoạch phát triển

Quy hoạch được hiểu theo nghĩa chung nhất là bước cụ thể hoá chiến lược ở mức độ toàn hệ thống, đó là kế hoạch mang tính tổng thể, thống nhất với chiến lược về mục đích, yêu cầu và làm căn cứ để xây dựng kế hoạch.

Quy hoạch phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc là lập kế hoạch để đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như tương lai về đội ngũ Hiệu trưởng các trường tiểu học, tính đến cả những nhân tố môi trường bên trong và những nhân tố của môi trường bên ngoài.

Nội dung quy hoạch đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học gồm:

- Đánh giá thực trạng đội ngũ theo các Chuẩn nghề nghiệp, Chuẩn Hiệu trưởng; thông qua kiểm tra, đánh giá đội ngũ, lấy kết quả làm cơ sở để xác định đối tượng đưa vào nguồn quy hoạch. Kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng trong xây dựng quy hoạch nguồn Hiệu trưởng

- Xác định nguồn từ đội ngũ CB, GV trong và ngoài nhà trường để đưa vào quy hoạch Hiệu trưởng.

- Xây dựng các biện pháp thực hiện quy hoạch.

- Hiệu trưởng căn cứ vào nguồn quy hoạch từ giáo viên để đề xuất và nhận xét đánh giá đối với giáo viên được đề xuất, họp bàn trong tập thể lãnh đạo;

- Xin ý kiến chi uỷ;

- Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm;

- Hiệu trưởng công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại đơn vị; tổng hợp báo cáo Phòng GD&ĐT về kết quả xây dựng quy hoạch nguồn của đơn vị.

- Phòng GD&ĐT tổng hợp kết quả chung toàn cấp học, xây dựng quy hoạch nguồn Hiệu trưởng, trao đổi thống nhất với Phòng Nội vụ và trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt.

1.3.2.2. Đào tạo, bồi dưỡng

Mục tiêu của quản lý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Hiệu trưởng trường học là nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng hoạt động đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà trường theo từng giai đoạn phát triển.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng Hiệu trưởng trường tiểu học bao gồm: đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý nhà trường; lý luận chính trị; nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ, tin học.

- Đào tạo, bồi dưỡng phải bám sát yêu cầu phát triển đội ngũ Hiệu trưởng. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần thiết thực: Ai yếu, thiếu và cần trang bị kiến thức nào thì đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và trang bị kiến thức ấy.

- Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với sử dụng: Hiệu trưởng được đào tạo, bồi dưỡng nội dung nào thì phải được vận dụng và phát huy trong quá trình công tác.

- Đào tạo, bồi dưỡng Hiệu trưởng trường tiểu học phải căn cứ vào chủ trương, chiến lược phát triển của ngành GD&ĐT và phát triển KT-XH của địa phương, vì mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng Hiệu trưởng các trường tiểu học là phục vụ cho chiến lược phát triển đội ngũ của ngành GD&ĐT và phát triển KT-XH của địa phương.

1.3.2.3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm và luân chuyển

Bổ nhiệm Hiệu trưởng trường tiểu học phải xuất phát từ nhu cầu công tác của đơn vị và của ngành, phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định trong Điều lệ trường tiểu học và phải tuân theo các nguyên tắc, thủ tục và quy trình một cách chặt chẽ. Các nguyên tắc đó là:

- Đảng thống nhất lãnh đạo. Tập thể lãnh đạo ở các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định một cách dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị;

- Phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, yêu cầu nhiệm vụ quản lý của đơn vị. Mặt khác phải căn cứ vào phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, sở trường của cán bộ;

- Đảm bảo sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Khi Hiệu trưởng trường tiểu học hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định, phải xem xét để bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Những Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ vẫn đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, cơ quan đơn vị tín nhiệm, đủ sức khỏe thì được cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm lại nhiệm kì tiếp theo.

tiểu học cũng rất cần thiết. Căn cứ vào các quy định của công tác tổ chức và thực tế của địa phương, của ngành, nhất thiết phải có sự luân chuyển Hiệu trưởng trên cơ sở quy hoạch cán bộ, nhằm tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, từ đó giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện, vững vàng hơn, đáp ứng nhu cầu tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài của ngành GD huyện.

1.3.2.4. Chính sách và môi trường phát triển

Để phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học đáp ứng yêu cầu quản lý nhà trường trong giai đoạn tới, các cấp quản lý, các nhà trường phải thực hiện tốt các chế độ, chính sách: tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp khó khăn, tham quan học tập... các cấp có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện các quy định, chính sách về tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng; chăm lo đời sống vật chất tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc, phân công nhiệm vụ thích hợp với năng lực, trình độ; phân cấp và giao trách nhiệm rõ ràng nhằm tạo động lực cho các Hiệu trưởng hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của mình.

1.3.2.5. Kiểm tra, đánh giá công tác phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học

Kiểm tra là một chức năng quan trọng của quản lý. Mục đích của kiểm tra công tác phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc là điều chỉnh quyết định quản lý nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu quản lý đã đề ra. Ngoài mục đích này, kiểm tra còn phải gắn với mục đích phát triển tổ chức và cá nhân. Kiểm tra không chỉ là điều chỉnh mà kiểm tra còn là phát hiện.

Nội dung của kiểm tra gồm: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Kiểm tra công tác xây dựng quy hoạch;

- Kiểm tra công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn và đương nhiệm sau khi đã được quy hoạch;

- Kiểm tra quy trình thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và luân chuyển Hiệu trưởng trường tiểu học;

- Kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học.

Kiểm tra phải gắn với việc đánh giá. Đánh giá trong công tác phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó là cơ sở để thực hiện các công việc khác trong công tác phát triển đội ngũ. Qua đánh giá sẽ thúc đẩy việc cải tiến công tác quản lý ở các nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên theo hướng hoàn thiện hơn.

Việc kiểm tra, đánh giá công tác phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học về xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ kế cận, sẽ giúp cho Hiệu trưởng các nhà trường có những định hướng đúng đắn hơn; công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ sau khi được quy hoạch sẽ hợp lý, tránh việc lãng phí về tiền của, thời gian; quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và luân chuyển được kiểm tra, đánh giá sẽ đảm bảo khách quan, công bằng; thực hiện chế độ chính sách đúng, kịp thời và tạo môi trường thuận lợi sẽ tạo điều kiện để phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ hiệu trưởng các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện lâm bình tỉnh tuyên quang (Trang 32 - 36)