Gia đình ở Việt Nam hiểu theo nghĩa rộng thường bao gồm các thành viên có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng, vì lý do này mà mối quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình được pháp luật quan tâm ngoài quan hệ giữa vợ và chồng, quan hệ giữa cha mẹ con, sở dĩ quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình được pháp luật điều chỉnh bởi vì đặc điểm các gia đình Việt Nam thường có nhiều thế hệ cùng sinh sống,
mỗi thành viên trong gia đình đều có sự tương tác lẫn nhau trong đời sống hàng ngày, để bảo đảm cho đời sống của mỗi thành viên trong gia đình ổn định, tiến tới phát triển kinh tế, văn hóa của cả gia đình, mỗi thành viên phải có trách nhiệm với chính bản thân mình và với những người thân thích khác trong gia đình, luật hôn nhân gia đình 2014 quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các thành viên khác trong gia đình như sau:
Điều 104. Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu:
1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
2. Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Đối với quan hệ giữa anh chị em trong một gia đình, luật hôn nhân gia đình năm 2014 cũng có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ như sau:
Điều 105. Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em:
Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
Trong quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình, pháp luật quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, bác, cậu ruột và cháu nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế, điều 106 luật hôn nhân và gia đình quy định:
Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con và những người được quy định tại Điều 104 và Điều 105 của Luật này hoặc còn nhưng những người này không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Quan hệ huyết thống trong gia đình người Việt Nam ít khi được hiểu là quan hệ của những người có cùng dòng máu trực hệ trong phạm vi ba đời mà thường được hiểu theo nghĩa mở rộng phạm vi theo tên của dòng họ, với suy nghĩ “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, điều này xuất phát từ đặc điểm coi trọng tình cảm, coi trọng họ hàng của người Việt, ở mối quan hệ này người viết không bàn tới quan hệ gần gũi giữa ông bà, cha mẹ và con cái mà sẽ xem xét về quan hệ huyết thống xa hơn, đó là quan hệ giữa các bên cô, dì, chú, bác ruột và một bên là cháu. Người Việt thường có câu “chú cũng như cha”, “mất
cha còn chú, mất mẹ bú dì” nhằm mục đích tăng sự gần gũi, sự gắn bó tình
cảm họ hàng, đồng thời cũng nhằm mục đích nói lên đạo lý làm người phải có sự yêu thương, trách nhiệm nếu như con cháu hoặc cô, dì, chú, bác ruột gặp hoàn cảnh khó khăn, không có người chăm sóc.