Quan điểm định hướng của nhà nước

Một phần của tài liệu Tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập có thu (Trang 42 - 44)

Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân (1989); Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam( 1992); Nghị quyết hội nghị lần thứ 4- Ban chấp hành TW Đảng khoá VII và gần đây nhất là quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược chăm

sóc sức khoẻ và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010 đã tiếp tục khẳng định sự phát triển của sự nghiệp y tế trong thời kỳ mới. Đó là:

Đầu tư cho sức khoẻ chính là đầu tư cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Tăng cường đầu tư cho phát triển hệ thống y tế từ NSNN và từ sự đóng góp của cộng đồng thông qua hình thức thu viện phí một cách hợp lý và khuyến khích phát triển hình thức bảo hiểm y tế.

Thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khoẻ. Thực hiện công bằng là bảo đảm cho mọi người đều được chăm sóc sức khoẻ, phù hợp với khả năng kinh tế của xã hội, đồng thời Nhà nước có chính sách khám chữa bệnh miễn phí và giảm phí đối với người có công với nước, người nghèo, người sống ở vùng có nhiều khó khăn và đồng bào các dân tộc thiểu số.

Xã hội hoá sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đa dạng hoá các hình thức tổ chức chăm sóc sức khoẻ: nhà nước, dân lập và tư nhân trong đó y tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Phát triển các loại hình chăm sóc sức khoẻ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho y tế còn hạn chế. Khuyến khích, hướng dẫn và quản lý tốt hoạt động của các cơ sở y tế dân lập, y tế tư nhân nhằm mục tiêu thiết thực phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Xuất phát từ định hướng phát triển trên, chủ trương của Nhà nước cũng như Bộ Y tế trong việc đổi mới công tác quản lý bệnh viện công ở nưóc ta là:

- Thứ nhất, chuyển từ mô hình quản lý thuần tuý chuyên môn sang mô hình quản lý đơn vị kinh tế dịch vụ. Tổ chức hệ thống định mức kinh tế hợp lý. Quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào, chi phí và thu nhập. Chuyển trọng tâm từ “bác sỹ” sang trọng tâm “người yêu cầu dịch vụ”.

- Thứ hai, đa dạng hoá các hình thức dịch vụ và đồng bộ hoá dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người bệnh và xã hội. Thay đổi quan niệm bệnh viện ngồi đợi bệnh nhân đến sang chủ động đến với bệnh nhân, thâm nhập cộng đồng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu xã hội, tổ chức hệ thống marketing.

- Thứ ba, chủ động thích ứng trong môi trường cạnh tranh . Không chỉ các bệnh viện nhà nước làm kinh tế dịch vụ mà gồm cả các bệnh viện bán công, tư nhân kể cả đầu tư nước ngoài.

- Thứ tư, xoá dần cơ chế xin- cho trong đầu tư và cấp phát kinh phí. Các dự án, chương trình đầu tư phải qua đấu thầu theo quy định của pháp luật. Tự chịu trách nhiệm chủ động cân đối, bảo đảm các nguồn lực cho hoạt động và cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên trong bệnh viện.

Một phần của tài liệu Tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập có thu (Trang 42 - 44)