nhanh dư lượng một số kháng sinh trong sữa:
Vi khuẩn Geobacillus stearothermophilus là chủng vi khuẩn được ứng dụng rộng rãi nhất trong các test của Châu Âu như: Improved Agar Diffusion test, Delvotest SP-NT, Charm AIM – 96, Disk Assay Plate Method, Copan Milk test,… [47]. Vi khuẩn thường được dùng ở dạng bào tử do khả năng chống chịu tốt với những điều kiện bất lợi, dễ thương mại hóa, điều kiện bảo quản và sử dụng dễ dàng.
Hình 1.13. Test thử dư lượng kháng sinh trong sữa của hãng Delvotest
Năm 1962, Galesloot và cộng sự [37] đã sử dụng vi khuẩn Geobacillus stearothermophilus hoặc G. calidolactis để phát hiện dư lượng kháng sinh trong sữa. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt miếng giấy có tẩm sữa lên môi trường thạch dinh dưỡng có bổ sung vi khuẩn Geobacillus stearothermophilus, sau đó ủ ở 55oC trong 2,5 giờ. Tiến hành quan sát sự ức chế của vi khuẩn lên khu vực có chứa miếng giấy tẩm để biết được sự hiện diện của kháng sinh trong sữa. Phương pháp này có độ nhạy đối với kháng sinh Penicillin khoảng 0.0025 IU/ml. Tuy nhiên
phương pháp này không phù hợp do đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn cao và có nhược điểm là chỉ thực hiện được trong phòng thí nghiệm.
Năm 1969, Mol. H. [56] đã phát triển phương pháp của Galesloot. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt miếng giấy có thấm môi trường chứa: Peptone 20%, Glucose 20% đã được làm khô, sau đó thấm sữa và đặt trên môi trường agar có bổ sung bào tử vi khuẩn Geobacillus stearothermophilus var. calidolactis. Sau đó đem ủ ở 63oC trong 6 giờ và quan sát sự hiện diện của kháng sinh. Mặc dù phương pháp này được đánh giá tốt hơn phương pháp của Galesloot nhưng có một số nhược điểm như: rất khó nhận ra vùng ức chế, thể tích mẫu không đủ để thực hiện nhắc lại.
Năm 1990, Lameris và cộng sự [50] đã nghiên cứu phương pháp phát hiện dư lượng kháng sinh trong sữa bằng cách bổ sung vào môi trường dinh dưỡng từ 105 đến 108 bào tử/ml vi khuẩn Geobacillus stearothermophilus var. calidolactis
vào trong ống hình trụ, ủ ở nhiệt độ thích hợp là khoảng 55°C đến 70°C, tốt nhất là 60°C đến 65°C và ủ trong khoảng thời gian tương đối ngắn khoảng 1,5 đến 4 giờ, tốt nhất là 2-3 giờ có thể quan sát được sự thay đổi màu sắc của môi trường.
Các nghiên cứu đã chứng minh được vai trò quan trong của vi khuẩn
Geobacillus stearothermophilus trong việc sản xuất ra các test thử để phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh trong sữa. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam chưa có đơn vị nào sử dụng chủng vi khuẩn Geobacillus stearothermophilus để sản xuất test phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh trong sữa dạng ống thạch mà chủ yếu nhập ngoại với giá thành rất cao. Do vậy việc nghiên cứu chế tạo được các test thử từ vi khuẩn này ở điều kiện Việt Nam là rất có ý nghĩa, góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhưng giá thành rẻ đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm có nguồn gốc trong nước.