“Cương và nhu” mà tôi muốn nói đến ở đây chính là kết hợp giữa kỉ luật nghiêm khắc và tình thương thật sự. Thông thường chúng ta đều thấy mỗi học sinh khi bị vi phạm lỗi để dẫn đến bất kì một hình thức kỉ luật nào đó dù đó chỉ là một lần thì em đó đều bị gán ghép bằng hai từ “ cá biệt”. Từ đó vô tình hình thành trong nhận thức của các bạn trong lớp bạn đó là học sinh cá biệt và đối với học sinh đó cũng tự cho rằng mình là học sinh cá biêt.
Ví dụ. Một em học sinh vốn rất hiền lành, ngoan ngoãn, có thành tích học tập tốt nhưng chỉ vì một lần quá bức xúc trước những lời xúc phạm của bạn nên đã đánh bạn. Vì vậy em đó bị kỉ luật và từ đó giáo viên chủ nhiệm cũng như các bạn liệt kê em đó vào danh sách học sinh cá biệt, có cái nhìn khinh mệt, coi thường nên em học sinh đó trở nên mặc cảm, sống xa lánh mọi người và cũng từ đó kết quả học tập giảm sút hẳn. Điều đó để thấy rằng nếu giáo viên chủ nhiệm không tinh nhạy trong nhìn nhận, đánh giá trước những sai phạm của học sinh thì vô tình sẽ không những giúp các em nhận ra được sai lầm để tiến bộ mà còn để lại những hậu quả nặng nề đó là sự khiếm khuyết trong hình thành nhân cách của trẻ. Vì vậy đừng vì một vài biểu hiện nhất thời của học sinh mà gán ghép cho các em cái tên “học sinh chậm tiến bộ”. Bên cạnh đó, thầy cô giáo cũng cần chú ý đến tâm lý lứa tuổi của các em bởi giai đoạn cấp 3 là giai đoạn khá nhạy cảm và có những rối loạn của tuổi dậy thì. Đôi khi những phản ứng nổi loạn là do các em không kiềm chế, kiểm soát được.
Cố PGS-TS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội đã từng nói rằng, thầy cô phải uốn nắn, định hướng ngay khi các em mắc những lỗi nhỏ để tránh dẫn đến việc xảy ra chuyện lớn rồi buộc lòng phải dùng biện pháp kỷ luật học sinh.
PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Kỷ luật là một hình thức giáo dục, không chỉ giáo dục học sinh vi phạm mà còn răn đe các em khác nữa. Tuy nhiên, kỷ luật là hình thức giáo dục cuối cùng bắt buộc phải dùng đến”.
Giáo dục là một hoạt động đặc biệt bởi sản phẩm tạo ra là con người. Vì vậy vẫn nên dùng đến kỷ luật nhưng là kỷ luật kết hợp với tình yêu thương. Có như vậy thì người thầy mới không khắc những vết thương lên tinh thần của người học trò về sau này. Đừng làm các em học sinh rơi vào trạng thái thấy mình là người chậm tiến bộ và cô độc trong lớp rồi nảy sinh những phản ứng tiêu cực như sợ hãi, tự ti. Mục đích của việc làm này là“giơ cao đánh khẽ” và với mong muốn giúp học sinh có kỷ luật tốt hơn.
Ví dụ. Lớp tôiđang chủ nhiệmcó emHậu làhọc sinhnữ nhưng thườnghay vi phạm nề nếp như: nhuộm tóc, trang điểm, sử dụng điện thoại, sau khi nhắc nhở nhiều lần không được tôi đã yêu cầu em viết bản tự kiểm điểm và cho lớp tiến hành sinh hoạt để kỉ luật bằng hình thức phê bình, nhắc nhở trước lớp, mục đích là để răn đe em và những bạn khác trong lớp nhưng sau đó cuối giờ khi học sinh đã về
hết tôi dành thời gian ngồi lại tâm sự với em. Tôi nói với em rằng trước lớp buộc tôi phải làm thế để răn đe các bạn nhưng trong thâm tâm tôi muốn em thay đổi, và tôi vẫn luôn cho em cơ hội nếu em thực sự muốn sửa sai. Tôi cố gắng tìm những ưu điểm của em hơn là chú trọng vào nhược điểm, biết em học được các môn xã hội tôi tâm sự “ ở trong lớp cô thấy em là người học được các môn xã hội, các giáo viên bộ môn Sử, Địa đều khen em học tốt, vì vậy cô muốn em cố gắng học để học kì 2 sẽ lấy em tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi nhưng với điều kiện em phải đủ tiêu chuẩn là học sinh khá. Tôi thấy sau lần tâm sự đó em luôn nỗ lực cố gắng và kết quả là em đã nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp trường 2 môn ( Ngữ văn và GDCD) . Qủa thật nhìn thấy được sự tiến bộ đó của học sinh với cương vị là giáo viên chủ nhiệm tôi thấy nhẹ lòng và hết sức vui mừng.
Một trường hợp khác em Nguyễn Thị Hà Phương lớp 12A6 là một em học sinh nữ vốn thông minh, học giỏi, năng động , ở trong lớp tôi vẫn luôn dành nhiều sự quan tâm cho em. Một lần có một bạn nữ khác trong lớp nói lời mỉa mai, xúc phạm nên em đó đã tát bạn. Trước hành động đó buộc giáo viên chủ nhiệm phải cho em viết bản kiểm điểm, bản tường trình và phê bình trước lớp. Nhưng cũng từ đó một số bạn trong lớp tẩy chay em, và sau đó một thời gian tôi thấy tính tình em thay đổi hẳn, ít nói hơn, sống khép kín hơn, lực học giảm sút. Tôi tìm hiểu nguyên nhân thì được biết do các bạn trong lớp thường hay nói lời xúc xiểm và mỉa mai bạn. Biết được điều đó trong giờ sinh hoạt tôi đã phê bình những bạn đó, tôi phân tích cho các học em học sinh trong lớp hiểu rằng lỗi hôm trước không hoàn toàn thuộc về bạn Phương và yêu cầu những em đó xin lỗi bạn. Sau đó tôi gặp riêng Phương hỏi han, trò chuyện. Tôi cũng nói cho em hiểu tôi chưa bao giờ xem em là học sinh cá biệt, “ Cô biết em cũng chỉ vì một phút nóng giận mà đánh bạn, trong cuộc sống không ai là không trải qua những lỗi lầm, ngay cả bản thân cô cũng vậy, nhưng điều quan trọng là sau đó chúng ta biết vươn lên để sửa chữa những lỗi lầm. Cô rất tin tưởng vào ý thức vươn lên của em và mong muốn em sẽ nỗ lực hơn nữa để các bạn phải cảm phục em”. Sau khi nghe được những lời tâm sự của tôi em như thấy được sự quan tâm và tình cảm của tôi dành cho em là không hề thay đổi nên em đã cố gắng hơn và kết quả cuối năm học em đã vươn lên xếp vị thứ 2 trong lớp về học tập. Cuối năm lớp 12 em đã ôm chầm lấy tôi mà khóc nức nở như một đứa trẻ. Em nói “ Nếu ngày đó em không được nghe những lời tâm sự của cô thì giờ đây không biết em sẽ thế nào. Qủa thực những ngày đó em rất buồn và chán nản, cứ nghĩ rằng từ nay cô sẽ ghét mình lắm nhưng khi được cô quan tâm và không có ác cảm với mình dù mình đã gây ra lỗi lầm em thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng của cô. Cô đúng là người mẹ hiền thứ hai của em. Em cảm ơn cô rất nhiều”
CHƯƠNG III
KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG VÀ HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI1. Khả năng ứng dụng 1. Khả năng ứng dụng
Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi đã ứng dụng tại trường THPT Anh Sơn I, ở các lớp 12A6, 11D5, 12D5 và 11A3 trong năm học 2015 – 2016, 2016 – 2017, 2017 – 2018 và 2018 - 2019. Ở lớp 12A6 tại trường THPT Anh Sơn I là lớp có nhiều học sinh chậm tiến bộ, Năm lớp 10 trong các đợt thi đua lớp đều xếp loại yếu, cuối năm tỉ lệ học sinh đạt loại khá giỏi về Đạo đức và Học tập tất thấp, cá biệt có những em còn bị xếp loại yếu. Tuy nhiên từ đầu năm lớp 11 đến hết lớp 12 nhờ vận dụng phương pháp“ Lạt mềm buộc chặt” hiệu quả trong công tác giáo dục học sinh đã được nâng cao rõ rệt, không còn học sinh bị xếp đạo đức loại yếu, kết quả các đợt thi đua của lớp cũng có nhiều tiến bộ, thậm chí đạt loại xuất sắc. Tương tự ở các lớp 11D5, 12D5 và 12A3 số lượng học sinh chậm tiến bộ giảm rõ rệt sau khi áp dụng đề tài vào công tác chủ nhiệm.
Song song với việc ứng dụng của cá nhân trong quá trình giáo dục học sinh, đề tài đã được thực nghiệm ứng dụng bởi các đồng nghiệp trong trường THPT Anh Sơn I và một số trường thuộc địa bàn huyện Anh Sơn như: THPT Anh Sơn II, THPT Anh Sơn III. Sau khi ứng dụng, các đồng nghiệp đều tán thành và áp dụng thành công đề tài này.
Mọi phương pháp ứng dụng trên đều có phản hồi tích cực, càng chứng minh phạm vi rộng rãi, dễ thực hiện và hiệu quả cao của đề tài.