BÀI TẬP TÌNH HUỐNG DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Một phần của tài liệu bài tập luật kinh tế hay (Trang 27 - 30)

Tình huống 1

Ông Phát là chủ Doanh nghiệp tư nhân TP được thành lập từ năm 2001 với ngành nghề chính là kinh doanh thực phẩm. Do công việc làm ăn thuận lợi nên đầu năm 2008, ông Phát muốn thành lập thêm một doanh nghiệp tư nhân nữa do ông làm chủ cùng kinh doanh mặt hàng nói trên.

1. Theo anh/chị, ông Phát có thể làm chủ một Doanh nghiệp tư nhân nữa không? Nêu căn cứ pháp lý?

2. Tháng 1/2009, do công việc kinh doanh bận rộn, nên ông Phát đã ký hợp đồng thuê ông Hà làm giám đốc quản lý và điều hành Doanh nghiệp TP. Theo anh/chị trong trường hợp này, ông Hà có thể trở thành người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp Thuận Phát không?

3. Ngày 12/3/2009, ông Hà- nhân danh Doanh nghiệp tư nhân TP- ký hợp đồng với Công ty cổ phần VK mua một lô hàng trị giá 100 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận sẽ thanh toán vào ngày 12/4/2009. Nhưng ngày 01/4/2009, ông Phát đã hủy hợp đồng thuê giám đốc với ông Hà với lý do ông Hà đã vi phạm một số cam kết trong hợp đồng. Ngày 12/4/2009, đại diện công ty VK đến gặp ông Hà đề nghị thanh toán số tiền nói trên nhưng ông Hà từ chối với lý do: Ông chỉ là người làm thuê, không có trách nhiệm thanh toán. Đại diện công ty VK lại đến gặp ông Phát đề nghị thanh toán, nhưng ông Phát cũng từ chối với lý do: Hợp đồng là do ông Hà ký mà không hỏi ý kiến ông nên ông không có trách nhiệm thanh toán.

Theo anh/chị, trong trường hợp này ai là người có trách nhiệm thanh toán hợp đồng nói trên?

Tình huống 2

Tháng 10/2008, ông Đạt thành lập Doanh nghiệp tư nhân T. Sau một thời gian hoạt động, ông Đạt muốn chuyển doanh nghiệp T thành Công ty cổ phần.

1. Theo anh/chị, ông Đạt có thể thực hiện được việc chuyển đổi này không? Nêu căn cứ pháp lý?

2. Do thủ tục chuyển đổi phức tạp, nên ông Đạt không thực hiện việc chuyển đổi nữa mà quyết định bán doanh nghiệp T. Tháng 1/2010, ông Đạt bán doanh nghiệp T cho ông Hùng. Tháng 2/2010, bà An- Giám đốc công ty cổ phần H- đến gặp ông Hùng đề nghị thanh toán khoản nợ mà T vay của bà từ tháng 10/2009, nhưng bị ông Hùng từ chối. Theo anh/chị, trong trường hợp này ông Hùng hay ông Đạt có trách nhiệm thanh toán khoản nợ nói trên? Nêu căn cứ pháp lý?

3. Tháng 3/2010, cơ quan đăng ký kinh doanh phát hiện ông Hùng hiện đang là chủ Doanh nghiệp tư nhân C vì vậy cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu ông Hùng phải chấm dứt tư cách chủ sở hữu của một trong hai doanh nghiệp tư nhân. Theo anh/chị, yêu cầu này của cơ quan đăng ký kinh doanh có cơ sở pháp lý không?

4. Thực hiện yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh, ông Hùng quyết định sáp nhập hai doanh nghiệp tư nhân với nhau. Theo anh/chị, việc sáp nhập này có hợp pháp không? Nêu căn cứ pháp lý?

5. Ngày 25/5/2010, ông Hùng làm hồ sơ xin giải thể Doanh nghiệp tư nhân T. Cơ quan đăng ký kinh doanh sau khi tiến hành đầy đủ những thủ tục theo Luật Doanh nghiệp đã chấp thuận cho Doanh nghiệp tư nhân T được giải thể. Một tháng sau khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, bà Ngọc- một chủ nợ đến đòi ông Hùng 100 triệu đồng mà doanh nghiệp T đã vay của bà từ tháng 2/2010 vì khi doanh nghiệp giải thể bà đang đi công tác nước ngoài nhưng ông Hùng từ chối với lý do: đây là khoản nợ vay với tư cách doanh nghiệp không phải với tư cách cá

nhân ông nay doanh nghiệp đã bị giải thể nên ông không có trách nhiệm trả nợ thay doanh nghiệp.

Theo anh/chị, trong trường hợp này ông Hùng có trách nhiệm trả nợ cho bà Ngọc không? Tại sao?

Một phần của tài liệu bài tập luật kinh tế hay (Trang 27 - 30)