Trước khi nước thải được đưa vào bãi lọc, cây đã được trồng và chăm sóc trước 2 tháng. Khi cây đã tương đối phát triển, rễ phát triển tốt thì bắt đầu tiến hành xử lý nước thải.
Thời gian ban đầu cần bón phân hóa học cho cây để cây nhanh phát triển. Thời gian sau không phải bón phân. Đó là do cây được hấp thụ các chất dinh dưỡng chứa các nguyên tố N, P, K. Cây phát triển nhanh và không bị chết trong toàn bộ thí nghiệm.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Với các kết quả thu được qua thời gian chừng 6 tháng thực nghiệm có thể rút ra một số kết luận sau:
1. Với hệ thống bãi lọc trồng cây ngập nước, dòng chảy thẳng đứng, trồng cây cói, hoàn toàn có thể xử lý nước thải thủy sản đã được tiền xử lý bằng hệ thống hiếu khí. Nước ra khỏi bãi lọc đạt tiêu chuẩn B theo TCVN.
2. Hệ thống bãi lọc trồng cây ngập nước xử lý nitrit hiệu quả rõ rệt có thể do sự xuất hiện chủng vi khuẩn Anammox. Hàm lượng nitrat, photphat giảm nhiều.
3. Bãi lọc trồng cây ngập nước có thể xử lý 80% lượng amoni ban đầu. Thông thường để loại bỏ nitơ trong amoni thường tốn nhiều năng lượng và hóa chất. Tuy nhiên phương pháp bãi lọc trồng cây đã thể hiện ưu điểm rõ rệt: Không cần cung cấp thêm năng lượng và hóa chất mà vẫn xử lý được amoni với hiệu suất cao.
4. Bãi lọc trồng cây tạo ra lượng sinh khối lớn có thể tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp, cũng có thể tạo ra nguyên liệu cho các ngành thủ công, trang trí...