Công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SAU KHI SẮP XẾP, ĐỔI MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG (Trang 26 - 27)

Nhìn nhận tổng quan hệ thống giáo dục và đào tạo ở nước ta, kỹ năng tay nghề của đội ngũ người lao động so với phát triển công nghệ đang có phần ngày càng giảm sút đặc biệt ở những ngành công nghệ cao. Việc dạy và học ngày càng xa thực tế, việc phát triển hệ thống đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề không gắn được với nhu cầu xã hội. Chúng ta không biết rằng mỗi năm cần bao nhiêu người, ngành nghề gì, trình độ gì ? Thực tế, nền giáo dục Việt Nam đang đào tạo, cung cấp nhân lực theo khả năng của các trường, chứ không theo nhu cầu của xã hội. Đây là đặc điểm của kinh tế kế hoạch cũ, đào tạo theo cung chứ không theo cầu, khả năng đào tạo được bao nhiêu là đào tạo bấy nhiêu, có những ngành xã hội, đào tạo ra tỷ lệ có việc làm rất thấp, nhưng vẫn cứ đào tạo. Bởi vì còn đào tạo được thì Nhà nước còn rót ngân sách. Học sinh còn đóng học phí thì cứ đào tạo.Mặt khác khi xác định đào tạo bao nhiêu thì lĩnh vực đào tạo ấy phải đủ giáo viên. Theo số liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, hệ thống dạy nghề trung cấp thiếu khoảng 15.000 giáo viên.

Giáo dục đại học có tỷ lệ tiến sỹ dưới 15%. Trong khi các nước, không là tiến sỹ thì không được lên bục dạy. Hiện nay, nước ta đa số giảng viên đại học chưa có bằng tiến sỹ.

Việc thiếu các chuẩn mực cho chất lượng đầu ra của giáo dục và đào tạo. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng hiện nay không có chuẩn cho người tốt nghiệp. Không nói được là khi tốt nghiệp ngành này biết được gì, làm được gì, có thể giữ vị trí nào. Vì đang thực hiện đào tạo theo khả năng, nên không quản lý được đầu ra, và xã hội vẫn phải chấp nhận.

Về đầu tư tài chính cho các trường không gắn với chất lượng. Hiện tại, Nhà nước đầu tư cho một sinh viên mỗi năm khoảng 5 triệu đồng, cộng học phí khoảng 7 triệu đồng trên 1 học sinh. Không phân biệt trường có chất lượng cao hay trường chất lượng kém và tuỳ từng lĩnh vực đào tạo (xã hội, kinh tế, kỹ thuật). Như vậy, không có động lực để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đào tạo không cao vẫn có người học, vì vẫn có bằng được cấp thì vẫn có người học.

Việc tiến hành xã hội hóa giáo dục và đào tạo vẫn còn chậm. Hiện nay, sinh viên các trường ngoài công lập mới chiếm tỷ lệ nhỏ khoảng 17%. Trường đại học nước ngoài mới có 2 trường được cấp giấy phép. So với 376 trường đại học, cao đẳng của cả nước (tính đến năm 2010).

Hiện nay, các doanh nghiệp nơi sử dụng chủ yếu đầu ra của ngành giáo dục đào tạo chưa có trách nhiệm đầy đủ với việc đào tạo nhân lực cho mình.

Khi được cung cấp lao động chất lượng thấp thì than phiền, nhưng các doanh nghiệp đã làm gì để cùng với Nhà nước giải quyết. Đơn giản là tiếp nhận sinh viên thực tập cũng khó khăn. Hiện nay, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp đem yêu cầu của mình đến với các cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp trách nhiệm còn yếu, còn đứng ngoài cuộc trước chất lượng kém, không coi đó là lợi ích của chính mình.

Trên thực tế rất nhiều lao động có trình độ đại học phải làm việc của công nhân. Sau khi được đào tạo đại học thì phải học thêm một số kỹ năng để lao động như công nhân vì không có chỗ làm việc.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SAU KHI SẮP XẾP, ĐỔI MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG (Trang 26 - 27)