c. Yêu cầu về tính bảo mật.
3.1.2 Đánh giá về giám sát sự tuân thủ đạo đức nghề nghiệp
Hiện nay tại Việt Nam việc giám sát sự tuân thủ đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được thực hiện, nguyên nhân là do:
a. Đến nay vẫn chưa rõ tổ chức nào phải chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp:
Thật vậy, điều 3 Quyết định 87/2005/QĐ-BTC ban hành Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam quy định:
“ Giao cho hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cho những người làm kế toán và người hành nghề kế toán. Giao cho hội Kiểm toán viên hành
nghề Việt Nam hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cho kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề.” Bên cạnh đó, điều 1 Quyết định 47/2005/QĐ-BTC ngày 14/7/2005 của Bộ Tài Chính về việc” chuyển giao cho hội nghề nghiệp thực hiện một số nội dung công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán” nêu rõ:
“ Giao cho hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam thực hiện kiểm tra tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán, chất lượng dịch vụ trong các doanh nghiệp kiểm toán. Khi phát hiện các sai phạm pháp luật thì báo cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý. Hàng năm thực hiện tổng kết, đánh giá chất lượng dịch vụ và hoạt động nghề nghiệp của kiểm toán viên, hoạt động kiểm toán và báo cáo với Bộ Tài Chính”
Thế nhưng, trong điều lệ của các hội nghề nghiệp không hề có chức năng nêu trên và vì thế hiện tổ chức nghề nghiệp tiếp tục tập trung vào việc đào tạo, cập nhập kiến thức, hay tham gia soạn thảo chuẩn mực.
Chính việc chưa có tổ chức giám sát và kiểm tra chất lượng hoạt động kiểm toán, cũng như giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp nên các quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp rất khó đi vào thực tiễn.
b. Bên cạnh việc không có tổ chức giám sát, hiện vẫn chưa có các tiêu chuẩn bổ nhiệm bộ phân kiểm soát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, cũng như không có quy trình kiểm soát về tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
c. Về quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán
Trên thực tế, tuy chưa đủ cơ sở vật chất, lực lượng đã kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, nhưng Bộ Tài Chính lại cho phép thành lập khá nhiều công ty kiểm toán. Chính việc tập trung phát triển về lượng nhưng lại thiếu sự kiểm tra, giám sát về chất đã và sẽ tạo nên những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của ngành.
d. Quy mô thị trường kiểm toán hiện nay khá lớn nhưng nhận thức về dịch vụ kiểm toán chưa tương xứng với yêu cầu.
e. Đối với các công ty niêm yết, dù nhiều thông tin công bố rất quan trọng đối với người sử dụng trong việc ra quyết định, nhưng hiện vẫn chưa có sự phối hợp giữa Hội nghề nghiệp và Ủy ban chứng khoán để kiểm tra, giám sát chất lượng
hoạt động kiểm toán, trong đó có cả việc giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp
Hàng loạt nguyên nhân nêu trên đã khiến cho chất lượng hoạt động kiểm toán và vấn đề tuân thủ đạo đức nghề nghiệp đang bị thả nổi, đặc biệt là tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh càng làm cho chất lượng hoạt động kiểm toán giảm sút nghiêm trọng.
3.1.3 Đánh giá chung
Thực trạng các quy định về đạo đức nghề nghiệp và giám sát việc thực thi ở Việt Nam có những đặc điểm nổi bật sau:
- Hoạt động kiểm toán độc lập vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và các thể chế liên quan, trong đó có vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đang trong giai đoạn hình thành.
- Đạo đức nghề nghiệp chưa phải là vấn đề được quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam. Tuy các công ty kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài thực hiên theo chính sách của tập đoàn, nhưng các công ty kiểm toán Việt Nam chưa quan tâm đúng mức.
- Các quy định về đạo đức nghề nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ chuẩn mực của Bộ Tài Chính, chưa có các hướng dẫn cụ thể. Bản thân các quy định cũng còn nhiều hạn chế về tính khoa học và khả năng triển khai trong thực tế.
- Giữa chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và các quy định có một số điểm khác biệt. Khi phát sinh khác biệt, kiểm toán viên và công ty kiểm toán chưa có cơ sở để giải quyết.
- Việc giám sát tuân thủ đạo đức nghề nghiệp chưa được thực hiện
Nhìn chung, đạo đức nghề nghiệp chưa thực sự trở thành một thể chế hoàn chỉnh, hiểu theo nghĩa bao gồm đầy đủ các chức năng để có thể vận hành và điều chỉnh để đạt được mục đích của nó.