Bàn luận về các yếu tố khởi phát nhạy cảm ngà răng

Một phần của tài liệu Tình trạng nhạy cảm ngà răng ở thành phố HCM, yếu tố nguy cơ - Hiệu quả điều trị bằng các loại thuốc đánh răng chống nhạy cảm ngà (FULL TEXT) (Trang 101 - 102)

Yếu tố khởi phát nhạy cảm ngà răng có thể khác biệt giữa các cá thể. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như ngưỡng đau, tình trạng cảm xúc, môi trường xung quanh cũng có thể ảnh hưởng đến đáp ứng của mỗi người.

Bảng 4.2. Các nghiên cứu về yếu tố khởi phát nhạy cảm ngà

Tác giả Ăn lạnh Uống lạnh Ăn nóng Uống nóng

Orchardson, 2001 75%

Clayton, 2002 45%

Đoàn Hồ Điệp, 2010 45%

Tống Minh Sơn, 2010 58,11% 8,11%

Nghiên cứu này, 2014 54,1% 64,4% 6,9% 3,9%

Bảng 4.1 cho thấy tỷ lệ người trả lời có nhạy cảm ngà răng khi gặp kích thích lạnh cao hơn so với kích thích nóng và chua cao hơn so với ngọt trong nghiên cứu này. Khi được phỏng vấn, trong số các đối tượng trả lời có ê buốt răng: 62,4% người có ê buốt răng khi uống lạnh, 54,1% người ê buốt khi ăn lạnh; trong khi đó, ăn nóng và uống nóng chỉ gây ê buốt ở 6,9% và 3,9%, tương ứng. Tỷ lệ nhạy cảm khi ăn đồ chua và uống đồ chua tương ứng là 35,4% và 20,9%, ăn đồ ngọt và uống đồ ngọt là 12,5% và 6,1%. Kích thích ê

buốt khi chải răng chiếm tỷ lệ 7,2%. Kết quả này phù hợp với kết quả của nhiều nghiên cứu trên thế giới [25],[31],[80],[81],[82].

Trong nghiên cứu của Orchardson, tác giả ghi nhận 75% bệnh nhân nhạy cảm ngà có cảm giác đau khi chịu kích thích lạnh [31]. Trong một khảo sát sử dụng bảng câu hỏi trên 228 đối tượng 17-58 tuổi, Clayton cũng ghi nhận kích thích gây nhạy cảm ngà thường gặp nhất, và thường gây nhạy cảm ngà với mức độ cao nhất là uống lạnh và ăn lạnh [81]. Nghiên cứu của Rees và cộng sự cũng cho thấy yếu tố khởi phát nhạy cảm ngà thường gặp nhất là uống lạnh [82]. Cơ chế gây nhạy cảm ngà răng có thể giải thích hiện tượng này. Theo các tác giả, các kích thích lạnh, bay hơi, hóa chất ưu trương kéo dòng dịch theo hướng ra xa tủy răng tác động vào các sợi thần kinh mạnh hơn so với kích thích nóng hay cọ xát có xu hướng đẩy dòng dịch về phía tủy răng [31],[33]. Tại Vệt Nam, khảo sát lâm sàng của Đoàn Hồ Điệp thực hiện trên 100 đối tượng trước khi tiến hành tẩy trắng răng cũng ghi nhận các đối tượng có đáp ứng nhạy cảm ngà nhiều hơn với kích thích lạnh: trong số 47% người có nhạy cảm khi khám, 45% nhạy cảm với kích thích lạnh và chỉ có 2% nhạy cảm với luồng hơi [80]. Khảo sát trên đối tượng nhân viên tại một công ty bảo hiểm, Tống Minh Sơn cũng ghi nhận nhạy cảm với kích thích lạnh chiếm tỷ lệ cao hơn so với kích thích nóng (58,11% và 8,11%), kích thích do vị chua cao hơn so với vị ngọt (8,11% và 2,7%) [9].

Một phần của tài liệu Tình trạng nhạy cảm ngà răng ở thành phố HCM, yếu tố nguy cơ - Hiệu quả điều trị bằng các loại thuốc đánh răng chống nhạy cảm ngà (FULL TEXT) (Trang 101 - 102)