Giá trị nghệ thuật

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp vấn đề gìn giữ và phát huy các giá trị trong lễ cấp sắc của người dao tuyển ở huyện bảo thắng tỉnh lào cai (Trang 32 - 34)

* Giá trị nghệ thuật trên trang phục thầy cúng

Trong lễ cấp sắc người Dao Tuyển có hai loại thầy đến chủ trì nghi lễ: Thầy cúng Tam Nguyên bên Sư Giáo và thầy cúng Tam Thanh bên Đạo gáo. Trang phục của 3 ông thầy cúng Tam Nguyên đơn giản. Các bộ trang phục này đều là áo dài, hai tà, xe nách bên phải có cúc cài, quần chàm kiểu chân què. Áo dài của thầy cúng Thượng Nguyên chỉ có màu vàng, không thêu họa tiết, áo của thầy cúng Trung

Nguyên màu đỏ và của thầy Hạ Nguyên là màu chàm đen sẫm. Trang phục thầy cúng Tam Thanh sặc sỡ, thêu thùa nhiều họa tiết hoa văn. Áo dài của các thầy may cắt đơn giản, không có tay nhưng nó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật trang trí độc đáo, phản ánh vũ trụ luận của người Dao Tuyến. Theo quan niệm của Đạo giáo thân thế con người là một vũ trụ thu nhỏ gồm ba cõi đất, trời khác nhau. Đầu là cõi trời, là cõi Thượng Nguyên, trong sáng. Đầu của thầy cúng đội mũ. Mũ thầy cúng được trang trí đẹp, có hình các vì tinh tú trên bầu trời, hình hai con rồng chầu mặt trời và núi cũng nhấp nhô hình 5 ngọn núi, có chữ Nhật bên phải và chữ Nguyệt bên trái. Phần thân người từ vai xuống đến thắt lưng là cõi Trung Nguyên. Đặc biệt phần thân sau lưng người có xương sống được ví như cột trụ của cơ thể. Vì vậy, phần thân sau lưng của các thầy sẽ trở thành đồ án trang trí chủ đạo. Còn phần trước ngực chỉ trang trí đơn giản. Còn từ thắt lưng trở xuống bàn chân tương ứng với cõi Hạ Nguyên. Hai tấm vải phía trước áo thầy cúng Tam Thanh thêu các hình tượng, trên cùng là trời có hai con rồng bay, dưới nước có hai hình con cá bơi, dưới đất ở vạt bên phải là hình một trẻ em cầm gậy, vạt bên trái thêu hình trẻ em cầm búa. Dưới hai vạt áo là hình Công Tào cưỡi ngựa, cầm cờ báo tin. Hai vạt áo phía trước còn thêu 8 hình tròn của 8 quẻ bát quái. Vạt bên phải thêu 4 quẻ: Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Vạt bên trái thêu 4 quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn. Tấm áo phía sau là bức thêu hoàn chỉnh phản ánh thế giới nhiều tầng. Tầng trên cùng là hình ba vị Tam Thanh cưỡi chim hạc trắng, chính giữa là Ngọc Thanh, bên trái là Thượng Thanh, bên phải là Thái Thanh. Gấu áo của ông Tam Thanh còn thêu các hình bầu dục có tia lửa, Bên trong ghi các địa danh, các đạo quán, các nơi tu luyện của các vị thần Đạo giáo. Trong các trang phục thầy cúng, các họa tiết chữ Nôm Dao thêu trong hình tròn với nội dung phản ánh 24 khí tiết cũng trang trí khắp riềm áo, gấu áo tạo thành đương viền bao quanh các họa tiết chính. Đó là các tiết: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ, Lập hạ, Tiếu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử, Lập thu, Sư thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn. Phần dưới tà áo sau có loại thêu 1 đôi rồng, có loại thêu đôi ngựa hoặc những đám mây.

Màu sac của trang phục thầy cúng người Dao gồm 7 màu: đỏ, vàng, trắng, lục, lam, chàm, tím. Màu nền của áo là màu chàm nhưng trên nền này, người Dao Tuyển đã thêu và ghép vải tạo thành một dải hoa văn đan xít nhau khiến cho màu chàm của nền áo bị thu hẹp còn hoa văn lại hiện ra sặc sỡ trên nền chàm. Hầu hết các học tiết chính đều là màu đỏ và màu vàng đặt cạnh nhau. Màu đỏ cạnh màu vàng, màu đỏ thành màu đỏ tươi, màu vàng trên nền đỏ khiến màu vàng thành vàng óng... Như vậy, các nghệ nhân dân gian đã khéo léo sử dụng các màu sắc nhằm đối chọi với màu chàm của nền áo tạo nên sắc rực rỡ của trang phục thầy cúng. Trang phục thầy cúng của người Dao Tuyển thực sự là bức tranh nghệ thuật giàu giá trị thẳm mỹ, là tác phẩm phản ánh đậm nét vũ trụ quan của đồng bào.

Nghệ thuật diễn xướng

Trong lễ cấp sắc của đồng bào Dao Tuyển còn có nhiều áng thơ ca lời hay ý đẹp, nhạc điệu phong phú, tiết tấu rõ ràng. Nhiều loại nhạc cụ đã được huy động vào việc phục vụ nghi lễ như nạo bạt, choòng cheng, trống, cồng, chiêng... Diễn xướng lúc trầm, lúc bổng theo từng khung cảnh của buổi lễ, theo từng sắc thái lúc hành lễ của các thầy cúng tạo nên sự trang nghiêm của các nghi thức cúng, lễ. Trong lễ cấp sắc còn có nghệ thuật biểu diễn của các thầy cúng với các điệu nhảy múa cổ truyền như múa gà, nhảy bát quái,... Đây là những điệu múa được biểu diễn theo những bài hát hoặc thơ cúng. Bên ngoài có tiếng trống, tiếng chiêng đệm theo.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp vấn đề gìn giữ và phát huy các giá trị trong lễ cấp sắc của người dao tuyển ở huyện bảo thắng tỉnh lào cai (Trang 32 - 34)